Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia

Công cụ ghè một mặt được tìm thấy ở xã An Bình, thị xã An Khê
Công cụ ghè một mặt được tìm thấy ở xã An Bình, thị xã An Khê
TPO - Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá ở xã Xuân An và phường An Bình, thị xã An Khê, Gia Lai được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký quyết định số 3237 xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá ở xã Xuân An và phường An Bình, thị xã An Khê, Gia Lai; UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

Trong một hội thảo ở thị xã An Khê, tiến sĩ Nguyễn Gia Đối – Quyền Viện trưởng Viện khảo cổ học khái quát, giữa năm 2014, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai đã phát hiện 5 di tích thời đại đá cũ ở thị xã An Khê.

Các phát hiện điển hình như di tích Gò Đá ở phường An Bình nằm ở bờ phải sông Ba. Trong các hố khai quật các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều hiện vật đá như công cụ mũi nhọn, mảnh nạo, hòn ghè... 

Cụm di tích Rộc Tưng được phát hiện ở xã Xuân An. Cụ thể, năm 2016, 2018 các nhà khoa học tiến hành khai quật 2 điểm nằm ở bờ trái sông Ba. Các di tích Rộc Tưng phân bố trên nhiều đồi gò lượn sóng, xung quanh là các bồn địa khe suối ven bờ sông Ba. Trong khu vực này đã phát hiện được 14 địa điểm có di tồn văn hoá của người nguyên thuỷ, được đặt tên theo trật tự phát hiện từ Rộc Tưng 1 đến Rộc Tưng 14. 

Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia ảnh 1 Các nhà khoa học thăm một điểm khảo cổ ở phường An Bình, ảnh Nguyễn Quang Tuệ
Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, những phát hiện kỹ nghệ đá cũ An Khê đã làm thay đổi nhận thức về lịch sử vùng đất và đời sống của tổ tiên chúng ta. Với phát hiện di tích đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về quá khứ. Cụ thể, có 2 mẫu niên đại ở 2 điểm Đá cũ vùng An Khê đã được phòng thí nghiệm đồng vị hoá và niên đại địa chất Igem Ran, Viện Địa chất trầm tích quặng, thạch học, khoáng vật và địa hoá thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga phân tích cuối năm 2017, bằng phương pháp K/Ar cho niên đại ở di tích Gò Đá là khoảng 806.000 năm và Rộc Tưng I là khoảng 782.000 năm cách ngày nay. 
Trao đổi với Tiền Phong, PGS. TS Nguyễn Khắc Sử - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trưởng phòng Nghiên cứu thời đại đồ đá (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đánh giá, quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá không chỉ khẳng định giá trị quốc gia về lịch sử văn hóa của các di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ An Khê, mà còn nêu rõ trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc của địa phương theo qui định của pháp luật về Di sản văn hóa.

Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá được xếp hạng cấp quốc gia là tin vui của nhân dân tỉnh Gia Lai, giới khoa học khảo cổ, đánh dấu thành tựu quan trọng trong chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu khảo cổ giữa Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk, Liên bang Nga 10 năm qua, đồng thời mở ra một triển vọng mới trong qui hoạch phát triển văn hóa du lịch bền vững ở An Khê trong con đường hội nhập và phát triển.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.