Di tích kêu cứu vì sự thờ ơ, tắc trách

Di tích kêu cứu vì sự thờ ơ, tắc trách
TP - Một di tích văn hóa lịch sử hiếm hoi ở TPHCM có bề dày lịch sử hơn 1000 năm đang bị “xơi tái” và xuống cấp nghiêm trọng.

Điều đáng nói, qua kiểm tra mới đây, cơ quan chức năng phát hiện chính sự thờ ơ, tắc trách của cơ quan công quyền đã góp phần đẩy di sản này ngày càng xuống cấp.

Ngày càng thu hẹp

Phụng Sơn Tự (địa chỉ 1408 đường 3 tháng 2, khu phố 3, phường 2, quận 11) có tổng diện tích 26.650m2 hình thành cách đây hơn 300 năm, trong khuôn viên còn có một quần thể di tích văn hóa cổ Óc Eo có tuổi hơn 1000 năm. Năm 1994, chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 1288/VH-QĐ công nhận di tích kiến trúc – nghệ thuật.

Là một trong những di sản quý báu của quốc gia còn sót lại cần bảo tồn, tôn tạo, thế nhưng hàng chục năm qua, di tích này ngày càng bị thu hẹp dần và xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Trương Quốc Lâm, chủ tịch UBND phường 2, vì khuôn viên chùa không có hàng rào nên dân nhập cư từ các nơi kéo đến lấn chiếm đất và diện tích mặt hồ để cất nhà sàn, một số hộ còn đổ rác và xà bần lấp ao sen. Hiện nay, trong khuôn viên chùa có 132 hộ dân đang sinh sống với điều kiện ăn ở hết sức tạm bợ, môi trường xuống cấp.

Do đối tượng lấn chiếm là dân “thập phương” nên nhiều năm liền, Khu phố 3 trở nên phức tạp và là một trong những điểm tụ tập đủ loại tệ nạn như ma túy, trộm cắp, mại dâm,…

Sau 10 năm lại quay về “vạch xuất phát”

Ngày 17/1/1995, UBND TPHCM đã có quyết định số 283/QĐ-UB –NCVX công nhận ranh giới di tích chùa Phụng Sơn, yêu cầu “đo đạc cắm mốc và di chuyển các nhà dân nằm trong khuôn viên đất chùa”.

Cơ sở pháp lý đã có nhưng không rõ vì lí do gì, công tác di dời các hộ dân, trả lại mặt bằng cho di tích lại bị bỏ mặc hơn 9 năm trời. Trong khi đó, do đất có nguồn gốc lấn chiếm nên hầu hết nhà ở được xây dựng bằng vật liệu nhẹ, lụp xụp, diện tích chật hẹp, tạm bợ rất dễ cháy.

Tuy nhiên, trong buổi khảo sát chiều 6/9, HĐND TPHCM bất ngờ phát hiện dự án này chưa có … thiết kế cơ sở như đã báo cáo.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, khảo sát vào năm 1995 của BQL DA chưa đủ để thành lập thiết kế cơ sở vì thiếu rất nhiều yếu tố như quy hoạch chức năng từng khu, phân loại đối tượng di dời… nên không thể lập phương án đền bù, tái định cư.

Từ năm 1995 đến nay, hiện trạng có nhiều thay đổi (diện tích căn hộ, vật kiến trúc…), muốn triển khai, BQL phải tiến hành làm lại thiết kế cơ sở mà lẽ ra đã có thể lập dự án từ năm 1995.

MỚI - NÓNG