Đi thang máy phải chi tiền

Đi thang máy phải chi tiền
TP - Từ ngày 6-4-2011, tại cửa cầu thang máy ở tầng một Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Phú Yên luôn có hai bảo vệ túc trực 24/24. Họ có nhiệm vụ bán vé thang máy thu tiền, cũng như ngăn tất cả những người nhà bệnh nhân định sử dụng thang máy mà chưa mua vé...

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên:

Đi thang máy phải chi tiền

Bệnh viện đa khoa Phú Yên
Bệnh viện đa khoa Phú Yên.

2.000 đồng/vé

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên mới đưa vào sử dụng cuối tháng 8-2010, với qui mô 500 giường, phục vụ điều trị nội trú và 500 lượt khám mỗi ngày. Công trình có tổng mức đầu tư trên 187 tỷ đồng; trong đó giá trị xây lắp 134,1 tỷ đồng, trang thiết bị hơn 37,5 tỷ đồng với 7 khối nhà cao tầng.

Vừa qua, nhiều độc giả Tiền Phong liên tục phản ánh tình trạng Bệnh viện Đa khoa Phú Yên bán vé đi thang máy từ tầng 1 đến tầng 7 cho toàn bộ người nhà bệnh nhân, khách ra vào bệnh viện.

Anh Nguyễn Văn Thanh (cán bộ thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên), cho biết: “Bố tôi đang nằm điều trị ở phòng 7, tầng 4 (khoa Nội B) nên thường xuyên phải ra vào thăm nom.

Theo qui định của bệnh viện, trừ các bệnh nhân đang mặc quần áo đồng phục của bệnh viện, người nghèo, người nhà bệnh nhân ở các khoa đặc thù được miễn phí đi thang máy, còn lại đều phải trả tiền, mỗi lần 2.000 đồng”.

Ngoài số tiền viện phí, tiền thuốc men, anh Thanh và gia đình cũng phải tính đến cả tiền sử dụng thang máy.

Nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện cho rằng, khi bệnh viện xây nhà cao tầng thì việc thang máy được sử dụng cho mục đích chung là đương nhiên và chi phí vận hành phải nằm trong kinh phí hoạt động của khu nhà đó. Vé do bệnh viện tự in, được niêm yết giá 2.000 đồng cho mỗi lần lên -xuống. Hằng ngày có hàng trăm người phải bỏ tiền để đi thang máy.

Thu gấp đôi quy định

Ông Bùi Trần Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, giải thích: Trước đây, khi mới đưa thang máy vào vận hành, bệnh viện không thu phí, nhưng do lượng người sử dụng quá lớn cộng thêm ý thức lạm dụng thang máy khiến tình trạng ách tắc luôn xảy ra. Bên cạnh đó, hệ thống thang máy do sử dụng quá tải đã bắt đầu xuống cấp nên rất tốn kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng.

Trong khi đó, kinh phí thuê giường không tăng, giá thu viện phí chỉ được tăng một phần nên không đủ chi cho các hoạt động của đơn vị. Vì vậy, từ ngày 6-4 bệnh viện bắt đầu thu tiền sử dụng thang máy đối với khách ra vào bệnh viện. Cũng không còn giải pháp nào khác, phải thu phí để bù vào giá điện, bảo trì và sửa chữa hệ thống thang máy.

Theo ông Ngọc, việc này đã có sự đồng ý của lãnh đạo Sở Y tế, cùng với qui định 43/2006/NĐ-CP, ngày 25-4-2006 của Chính phủ và Quyết định số1179/QĐ-UBND, ngày 20-8-2010 của UBND tỉnh Phú Yên về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, theo công văn (số 1092 ngày 31-8-2010) của Sở Y tế trình Sở Tài chính xin phép để bệnh viện được thu phí thang máy thì mức thu là 1.000 đồng /người/lên - xuống. Thực tế bệnh viện lại thu mức phí gấp đôi.

Với khoảng 649 bệnh nhân đang điều trị, tương ứng với đó là số người thân đến thăm bệnh nhân, ước tính mỗi ngày bệnh viện thu được gần 1,3 triệu đồng. Theo lãnh đạo bệnh viện, số tiền này chỉ đủ trả lương cho tổ bảo vệ đang làm việc ở khu vực thang máy và chi phí bảo trì, bảo dưỡng.

Trong khi Đà Nẵng miễn phí giữ xe ở tất cả các bệnh viện, thì việc Phú Yên thu phí thang máy là khá ngược đời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.