Đêm diễn đầu tiên diễn ra tối 5/9 tại đình Tháp (Dịch Vọng, Cầu Giấy), hai đêm diễn còn lại tại đình Kim Liên và Xuân Đỉnh vào hai tối 12/9 và 19/9. Đây là chuỗi buổi biểu diễn của nhóm trẻ ưa khám phá nghệ thuật truyền thống Tôi xê dịch, phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam. Năm 2013, các nghệ sỹ và cộng đồng trẻ này từng tổ chức đêm duy nhất diễn chiếu chèo sân đình tại đình Kim Liên.
Người xem được trở lại với sân khấu truyền thống đúng nghĩa. Sân khấu và khán đài theo sự sắp đặt của chèo sân đình: Sân khấu ba mặt, chiếu chèo chính giữa là không gian diễn xuất của nghệ sỹ, phường bát âm ngồi chéo hai bên. Khán giả có thể giao lưu với diễn viên qua những lời đế đáp, và nhìn thấy cả diễn viên sửa soạn khăn áo chuẩn bị ra sân khấu. Cảm giác thân thiết hơn so với ngồi trong nhà hát và điều hòa mát lạnh.
Không diễn trọn vẹn một vở chèo, những người thực hiện muốn khán giả có cái nhìn sâu hơn về môn nghệ thuật này. Giám đốc nhà hát, NSƯT Thanh Ngoan, cho biết, ba đêm diễn tái hiện chiếu chèo sân đình và chia làm năm phần. Các bạn trẻ trưng bày những tư liệu từ góc nhìn của họ về nghệ thuật chèo. Đạo diễn và các nghệ sỹ dẫn dắt khán giả tiếp cận với năm mô hình nhân vật chèo, rồi giới thiệu về tính ước lệ, cách điệu của chèo. Khán giả còn có cơ hội thử sắm vai nữ lệch, nữ chín, kép, nữ ngang, mụ, lão trong các vai diễn kinh điển như Thị Mầu, Xúy Vân, Lưu Bình, Châu Long, Mãng Ông.
Di sản chèo cổ mẫu mực có bảy vở, dịp này BTC chọn ba vở kinh điển Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ và Kim Nham. “Các vở này đều có hình bóng những nhân vật mẫu mực. Vở Quan Âm Thị Kính rất đại chúng, những người yêu chèo đều biết, ngay cả giới trẻ cũng nghe rồi. Lưu Bình Dương Lễ nói về tình bạn mà có lẽ ở thời nay thật khó tin. Trong vở Kim Nham, chúng tôi đặc biệt nhấn vào hình tượng Xúy Vân, qua màn giả điên của cô ấy để nói về cái hay cái đẹp của nghệ thuật chèo. Đời thường thì chỉ nói với nhau, riêng chèo phải là hát, múa, diễn tạo thành đặc trưng”, Thanh Ngoan lí giải.
Gần hơn với dân gian
Dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Đoàn Vinh, hơn 50 nghệ sỹ tham gia vào ba đêm diễn này không có gì khó khăn trong diễn xuất. Trở ngại với những người trẻ trong nhóm Tôi xê dịch là tìm được địa điểm diễn thuận tiện. Người được nhà hát giao phụ trách công tác tổ chức kể, cái này phải dựa vào kinh nghiệm diễn không biết bao nhiêu đêm ở các đình, nên mới nhanh chóng tìm được ba điểm diễn ưng ý, thuận tiện về đường sá, điện đóm.
“Sở dĩ chọn những ngôi đình này vì chúng tôi từng diễn một đêm hai vở lớn, dài bốn tiếng mà các cụ vẫn ngồi nguyên xem chèo, khi đặt vấn đề các cụ yêu lắm. Các cụ bảo: Anh yên tâm nhé, điện ba pha chúng tôi đấu tới đây rồi, nước các anh đến chúng tôi lo toàn bộ, chiếu cần bao nhiêu, ghế cần bao nhiêu cho khán giả ngồi chúng tôi lo tất. Thậm chí các anh đến diễn, chúng tôi cũng có chút thù lao cho các anh nhé”, anh Bình phụ trách tổ chức biểu diễn chia sẻ. Các đêm diễn trở về gần hơn với dân gian là vì thế.
Ngoài thế hệ tóc bạc còn yêu chèo, những người thực hiện tham vọng hướng đến những người trẻ nhiều hơn. NSƯT Thanh Ngoan nói, một trong những lí do để nhà hát hỗ trợ nhóm bạn trẻ thực hiện chương trình vì những người trẻ ấy quan tâm văn hóa truyền thống, đặc biệt là chèo. Đạo diễn Đoàn Vinh kể kinh nghiệm đi dạy ngoại khóa cho học sinh các trường về chèo, nhiều khi các em nô nức đến xem như xem động vật quý hiếm. “Chèo có lúc thịnh lúc suy, nhưng khi văn hóa làng xã còn, thì chèo còn. Các bạn trẻ hãy tin rằng chèo là nghệ thuật dân tộc, sản phẩm tinh thần độc đáo do chính người Việt sáng tạo ra”, anh nói.
Một số trích đoạn của ba vở diễn kinh điển: Quan Âm Thị Kính (Vu quy, Thị Mầu lên chùa, Việc làng); Lưu Bình - Dương Lễ (Dương Lễ chia tay Châu Long, Lưu Bình hợp ẩm cùng Châu Long); Kim Nham (Xúy Vân giả dại, Phù thủy sợ ma, Mụ Kim-Kim Nham).