Đi mãi rồi cũng phải dừng

Nhà văn Phan Triều Hải (trái) cùng nhà văn Dạ Ngân
Nhà văn Phan Triều Hải (trái) cùng nhà văn Dạ Ngân
TP - Đem kể ra thì hơi loằng ngoằng dây mơ rễ má một tí. Khoảng năm 2000, Phan Triều Hải và tôi gặp nhau ở Đại hội Nhà văn tại Hà Nội, Hải chủ động đến bắt chuyện, về sau trở lại Sài Gòn rồi, Hải gửi ra tặng tôi một cuốn sổ lịch nhỏ tí, bằng bàn tay.

Một cuốn sổ nhỏ bắt đầu cho một mối tình

Cuốn sổ rất đẹp và rất tiện, có thể bỏ túi áo, đi đâu cũng mang theo được, khi cần có thể giở ra ghi chép hoặc bổ sung những từ mới ngữ mới, đúng thói quen của người dùng ngoại ngữ. Vậy là từ đấy cứ đến cuối năm, tôi lại nhắc Hải tìm gửi cho cuốn sổ của năm tới.

Rồi có lần, hứng lên, tôi đem một cuốn sổ Hải vừa gửi ra, tặng cho thị Tốt, biệt danh của Nguyễn Thị Thu Huệ. Nguyễn Thị Minh Thái đã có biệt danh là Tươi, thì Huệ là Tốt. Đã Tươi thì phải có Tốt. Đã Tươi thì còn có cả Thắm nữa, thị Thắm là biệt danh của một chị khác. Tốt vốn thích sưu tầm các loại sổ ghi chép. Lúc nhận cuốn sổ, Tốt hỏi ai cho anh, tôi khai ra tên Hải.

Rồi lại cũng ở một đại hội nhà văn, năm 2005, tình cờ thế nào Tốt gặp Phan Triều Hải. Cảm xúc dâng trào, Tốt khoe có một cuốn sổ của Hải, chính là cuốn sổ Hải đã gửi tặng anh Thái. Theo cách giải thích đùa cợt sau này của Yên Ba, thì khi ấy Tốt ta tưởng nhầm Hải là một nhà thơ tên Hải nên mới mê, mê chẳng qua vì nhầm. Khi đã gắn bó rồi, lúc ấy Tốt mới vỡ lẽ, hóa ra bạn không phải là nhà thơ tên Hải à?

Vừa đúng dịp Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức đi Đồ Sơn, tiện Phan Triều Hải đang ở Hà Nội, tôi rủ đi cùng. Trên đường đi có dặn trước là Hải sẽ ở cùng phòng với tôi. Tốt ta thấy như thế là quá tiện, thị có thể nhân đó mà lân la sang phòng tôi chuyện trò với Hải. Đến nơi, cán bộ văn phòng Tố Hoa xướng tên từng cặp ở chung phòng, đến lượt Thu Huệ và Tố Hoa ở cùng phòng, Huệ buột miệng hét lên: Không, em ở với anh Thái.

Ngầm ý của thị là em sẽ sang phòng anh Thái để chuyện trò với Hải. Nhưng câu phản ứng tức thời của thị làm mọi người cười rộ.

Đêm, tôi nằm yên trên giường, trong khi chúng kéo nhau ra ban công chuyện trò. Lại còn làm ra vẻ ý tứ, nhắc nhau: Nói khẽ cho anh ấy ngủ. Cái trò mình đã không ngủ được, mà bọn đang thức cứ cố đi nhẹ nói khẽ thì người không ngủ càng nghe rõ. Năm giờ sáng, Hải mới vào giường của y để ngả lưng. Sáng ra, bảy giờ đi ăn sáng, tôi thấy y vẫn nằm im, bèn đập dậy: Dậy đi, Sở Khanh thời đại.

Biệt danh Sở Khanh vận luôn vào y. Một thời gian sau, tôi bảo thị Tốt: Tưởng đùa mà đặt tên y là Sở Khanh, hóa ra rất chính xác. Rồi tôi kể cho thị nghe nội dung truyện ngắn Đi mãi trên đường của Phan Triều Hải. Một anh chàng cứ lang thang đi trên những nẻo đường Nam Bộ, đến một nơi có quán em út, khách ở đấy ra vào nườm nượp, hễ có động bị công an đánh úp thì được các em dẫn ra nhà vệ sinh, cái lỗ đi vệ sinh thừa rộng cho một người chui lọt, khách mua dâm chạy trốn chỉ việc thả mình xuống cái lỗ ấy, trôi xuống như trôi cầu trượt, rơi xuống một con kênh, rồi chạy trốn, anh ta có cảm giác mình là một cục phân to đùng đang trôi xuống.

Trông mặt y thế thôi, chứ ghê ra phết đấy. Tôi bảo thị Tốt.

Đấy là cái truyện ngắn vào loại có ấn tượng hơn cả của Phan Triều Hải, ấn tượng hơn cái truyện mông lung Có một người nằm trên mái nhà, mà bạn bè hay lôi ra để đùa, coi như Phan Triều Hải nằm trên mái nhà, viển vông trơ trọi lạc hướng. Tôi thấy tác phẩm hay của Hải là cuốn Đi học, hài hước, giễu cợt nhẹ nhàng, giễu người giễu mình. Anh kể chuyện cái lớp học viết văn ở Iowa, các cây bút trẻ từ nhiều nước đến, còn đầy ảo vọng ngông cuồng, như thể là vĩ nhân. Người đang cùng hội cùng thuyền với họ là Phan Triều Hải thì tỉnh táo, anh ta như tách được mình ra để nhìn bạn bè, vừa giễu vừa cảm thông. Mấy năm sau, Hải kể đám sinh viên ngông cuồng ngày ấy rồi cũng có được vài tay khá, như cây bút trẻ Han Kang người Hàn Quốc, tác giả tập truyện Người ăn chay chẳng hạn.

Tôi đưa cho chị Lê Minh Khuê một cuốn Đi học, đọc xong, chị nhờ nhắn với Phan Triều Hải: chị thích cuốn ấy.

Vài năm sau Lê Minh Khuê mới gặp Hải. Vẻ thư sinh của y khiến chị thân mật gọi y như gọi con cún trong nhà: Thằng chó, thằng chó. Thị Tốt kêu lên: Cô nhầm rồi, không phải là cún con đâu, ghê lắm đấy, cô ơi.

Hải ra Hà Nội luôn mấy năm liền, coi như suốt năm năm giữa hai kỳ của đại hội nhà văn. Đến mức trước đại hội năm 2010, khi chuyện tình của y đã lắng, Yên Ba giả vờ hỏi: Mày nói xem, đại hội sắp tới, mày định bắt con nào? Mỗi đại hội một nhà văn (nữ), đấy là chủ trương và khẩu hiệu của y. Yên Ba đùa như vậy.

Trong năm năm ấy, Hải ra hẳn Hà Nội, thỉnh thoảng có việc mới vào Sài Gòn ít ngày. Y cày cho hết những đường phố ngõ hẻm Hà Nội. Ấn tượng với hồ Tây ở những đoạn như Võng Thị, nhiều lúc mặt hồ nổi sóng như biển. Những quán cóc trên vỉa hè phố Tây phố cổ… Y ở trong căn nhà sâu trong ngõ phố Lạc Long Quân gần hồ Tây, tưởng sâu là yên nhưng không yên. Bốn năm giờ sáng, hội các cụ bảy mươi tám mươi kéo đến cái sân bên hông nhà, đánh cầu lông, tập dưỡng sinh, vừa tập vừa buông lời ong bướm như trai làng gái làng. Các cụ thì thấy ý nhị lắm, còn Hải ở trên tầng hai thì mất ngủ, tức điên. Thỉnh thoảng, cả hội chúng tôi kéo nhau đi bãi biển Hải Thịnh. Hoặc đêm cuối năm dương lịch lên đón năm mới trên đỉnh Mẫu Sơn, chờ xem tuyết rơi. Thấy trong phòng khách sạn có cái lò sưởi, bèn tìm củi về đốt, hun cái tầng hầm của căn nhà đá khói um, tưởng như chết ngạt.

Ở Hải Thịnh, trước và sau vụ sóng biển tràn vào bóc tung hết những con đường bê tông lên, làm đổ cây cối, đổ nhà, chúng tôi đều mò đến cả. Thị Tốt có một miếng đất mua ở đấy. Thị dẫn chúng tôi đi loanh quanh vào làng, đi qua một ruộng rau, thị bảo, đất của em đấy. Đến một ruộng rau khác, thị bảo, hình như đây mới là đất của em. Đi rạc cẳng mà thị cũng chẳng kết luận được chỗ nào là đất của thị, phải về hỏi anh bạn người địa phương là người đã kết nối cho thị đi mua đất.

Ở thị trấn Phát Diệm, chúng tôi vào thăm ngôi nhà thờ bằng đá, một kiến trúc pha trộn giữa nhà thờ phương Tây và chùa chiền phương Đông. Chúng tôi đến chơi nhà anh lái xe của cơ quan thị Tốt. Đêm kéo nhau đi dạo trong làng, thấy dân làng đến giờ là đứng trước hòn giả sơn trước nhà thờ làng, hát thánh ca, hát say sưa thành kính, chứ không xem tivi không nghe đài. Thị trấn sạch sẽ và khá ấn tượng, có nhiều nhà nghỉ và khách sạn. Cả bọn nghỉ trong một khách sạn nhỏ xinh. Đêm chẳng ai ngủ, nghe rõ mấy lần chuông nhà thờ điểm lúc gần sáng. Thuê hai phòng, một phòng cho Tươi (Minh Thái) và Tốt (Thu Huệ). Một phòng cho Hải và tôi. Nhưng rồi bỏ trống một phòng, cả bốn tên chui hết vào phòng kia. Minh Thái và tôi được coi là bậc phụ mẫu, được kính cẩn cho nằm trên hai chiếc giường cá nhân ở hai bên. Tốt và Hải thuộc hàng đệ tử, trải chiếu nằm dưới đất, giữa hai giường. Nửa đêm trở dậy, muốn đi lại trong phòng, tôi phải nhảy qua người hai đứa nằm dưới đất. Tươi nhại tiếng Huế quê Hải nói líu lo suốt đêm, nói đến mức cứng cả mồm, sáng ra nằm thiêm thiếp, ai trêu chọc gì cũng chẳng buồn đối đáp.

Chẳng là ở cái thời đi đâu cũng ríu rít với nhau, chúng tôi đùa cợt vẽ ra cái viễn cảnh gia đình. Nếu vụ việc hợp hôn xảy ra, Hải không có gia đình ở bên cạnh, Tươi và tôi sẽ sắm vai phụ mẫu cho bên nhà trai. Hải đùa gọi Tươi và tôi là cha mạ, giọng Huế. Tươi và tôi cũng đáp bằng giọng Huế. Nghe cái giọng giả cầy líu lô líu lường của chúng tôi, chửi cha không bằng pha tiếng, Hải buông một câu: Cha mạ nói giọng Huế như kựt.

Đóng vai cha mạ, tôi bảo: Hắng hỗn quá. Tươi đồng tình: Hỗn quá, vì bọn mình bỏ hắng hồi hắng còn bé, hắng oán.

Phương ngữ cũng là chuyện thường xuyên của Hải. Y hỏi Tươi: Cây xoài nhà chị có nhiều quả không? Tươi đáp: Có ối. Y hỏi luôn: Ối là gì? Lại phải giải thích cái phương ngữ đồng bằng Bắc Bộ của Tươi, ối là để chỉ số nhiều, có thể hiểu là nhiều. Y gọi con ếch là coong ết, bị cả hội bắt sửa lại, y uốn mồm sửa: Con ết, con ết.

Mỗi lần thị Tốt đến Hội Nhà văn Hà Nội họp ban chấp hành, Hải đưa thị đi, đến nơi thì vào thư viện của Tố Hoa, suốt một buổi ngồi chờ, đọc hết vài chục tờ tạp chí báo ngày báo tuần. Một tay cháy nắng đen nhẻm thường ra vào văn phòng hội và ngồi lỳ trong thư viện. Tôi đùa: hội viên nhà văn Hà Nội đang xôn xao, từ dạo Hồ Anh Thái làm chủ tịch, công tác đối ngoại của hội phát triển trông thấy, bằng chứng là vẫn thấy bạn Lào bạn Campuchia hay lui tới văn phòng hội.

Cứ thế, chuyện tiếu lâm của cái hội này nếu viết lại, phải thành trường thiên tiểu thuyết.

Thời gian ở Hà Nội, Hải chí thú đọc viết. Viết không được nhiều thì dịch. Một phần vì bị Tốt động viên thúc giục. Thế mà y cũng chuyên tâm dịch được cuốn Hội hè miên man (A Moveable Feast) của Hemingway. Cái tên sách rất gợi trong tiếng Việt, mặc dù chỉ có một bữa đại tiệc A Feast thôi mà dịch là hội hè số nhiều, và triền miên di động Moveable mà xoay thành miên man thì chưa phải đã chính xác lắm. Bản dịch phải nói là thoáng và thoát, cũng được nhiều người khen.

Đi mãi rồi cũng phải dừng ảnh 1  Tranh: nguyễn văn hổ

Nhưng y không phải là người chuyên tâm làm việc. Biến động gì đó trong đời, phần lớn là chuyện tình cảm, đều ảnh hưởng đến cảm hứng làm việc. Buồn quá không viết được mà vui quá cũng không. Người ta chỉ viết được khi tâm trạng bình ổn cân bằng, khi cần tỉnh để điều khiển cảm xúc, điều khiển ngôn ngữ và dẫn dắt công chúng, đúng như phương pháp gián cách của Bertolt Brecht trong nghệ thuật sân khấu. Gặp chuyện phải lo nghĩ, giải pháp của y là lên giường ngủ một giấc, ngủ dậy thì chuyện gì cũng tan, chuyện gì cũng thành dĩ vãng, hết băn khoăn. Không viết được, y tự lý giải là đọc thấy người khác viết hay quá rồi, tự thấy mình không cần viết nữa. Đấy cũng là một loại tâm trạng nghệ sĩ. Choáng ngợp và hoảng sợ trước thành quả của người khác. Nhưng còn có một loại tâm trạng khác: càng đọc của người khác, thì càng được kích ứng, thấy mình có một câu chuyện khác hẳn thế, càng quyết tâm để viết ra. Một tâm trạng khác nữa: những thôi thúc nội tại khiến mình phải viết, chưa viết như mang mầm bệnh trong người, viết ra được mới là giải thoát, mới khỏi bệnh… Hải hình như không thuộc loại có hai tâm trạng sau.

Nhưng có thể cũng chẳng phải y choáng khi đọc sách hay, bị sách hay uy hiếp. Chỉ đơn giản là bao nhiêu cảm hứng và toàn bộ tâm trí của y đều đã dồn hết cho một đam mê khác. Người viết mà không viết được thì lúc nào cũng nhức nhối trong lòng, phải tìm đến một thứ thuốc giảm đau để làm lạc hướng cơn đau. Mỗi đại hội một nhà văn (nữ). Đùa y hay là thật đây?

Giờ thì y đang phải sắm một vai thật trong cuộc đời thật. Một người cha đúng giờ giấc và đúng bổn phận. Ràng buộc và bổn phận dường như không hợp với y, nhưng còn có lựa chọn nào khác. Thỉnh thoảng y lại gửi thư điện tử cho tôi, kể những chuyện vẩn vơ. Sài Gòn vài bữa nay có mưa, người nghẽn lại ở nơi đường này đường nọ. Tự nhiên nhớ mưa Hà Nội. Tháng này là mùa thu Hà Nội, tự nhiên lại nhớ hồ Tây… Thảng hoặc y lại có dịp ra Hà Nội chấm bài cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, hoặc công việc của công ty, đấy là những dịp để cho y bớt được nỗi nhớ nhung. Rồi chuyển sang định cư ở Bắc Carolina, y vẫn thỉnh thoảng đi về Sài Gòn và ghé qua Hà Nội. Tôi vẫn phải thường xuyên động viên thúc giục y viết, lấy cớ là để tham gia những tuyển tập Văn Mới, tuyển tập Sách tết. Xa xôi cách trở, phải lo chuyện cơm áo, y vẫn cố gắng ra được một tập truyện ngắn Mỗi người một chỗ ngồi, và chọn dịch những bài phỏng vấn nhà văn nước ngoài in thành tập Không thể sống mà không viết.

Những năm vừa rồi tôi đi xa, chẳng bao giờ tìm được cuốn sổ nào vừa nhỏ vừa đẹp như những cuốn hàng năm Hải đã gửi cho. Đôi lúc lại nghĩ hay là bảo y đi tìm và tiếp tục cung cấp cuốn sổ ấy. Nghĩ đi nghĩ lại, thôi. 

MỚI - NÓNG