Đi đêm và lót tay

TP - Mấy ngày qua, thông tin Công ty mẹ (ở Tokyo) khai nhận công ty con Tenma (Nhật Bản) tại Việt Nam có hành vi hối lộ cán bộ/nhân viên nhà nước với tổng số tiền khoảng 25 triệu Yên, tương đương hơn 5 tỷ VND gây chấn động.

Vụ việc được doanh nghiệp Nhật khai báo với hai lần đưa: Lần thứ nhất, tháng 6/2017, khi công ty này chủ động đề nghị trả tiền mặt 2 tỷ đồng cho cán bộ điều tra thuế địa phương, kết quả được miễn khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với mặt hàng nhập khẩu 1,79 tỷ yên (khoảng 400 tỷ đồng). Lần thứ hai, tháng 8/2019, cán bộ điều tra thuế địa phương yêu cầu phía công ty nộp trả tiền mặt 3 tỷ đồng, kết quả được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) xuống còn khoảng 530 triệu đồng (2,62 triệu yên).

Ngay sau vụ việc, một hệ thống các cơ quan công quyền tại Việt Nam đã “rần rần” vào cuộc. Sau thông tin từ đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản gửi về nước, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu  Bộ Tài chính cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh làm rõ.

Vụ việc lập tức được cơ quan Công an tỉnh  xử lý  yêu cầu Cục thuế, hải quan Bắc Ninh cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, kết quả kiểm tra sau thông quan, kết quả kiểm tra thuế, các biên bản thanh kiểm tra liên quan tới Tenma Việt Nam. Dù các cán bộ thuế, hải quan điềm tĩnh và nhất mực khẳng định “không hề có chuyện đó”- nhưng cho đến hôm nay, sau ít ngày thông tin hé lộ, dự đoán chung đều cho rằng: vụ việc không hề đơn giản và  nhiều uẩn khúc. 

Có hay không việc doanh nghiệp “đi đêm” đưa và công chức nhận số tiền “lót tay” này?  Sự  việc phải chờ cơ quan công an điều tra “hai năm rõ mười” mới kết luận được. Nhưng điều quan trọng, đã xới lại một lần nữa vấn nạn nhức nhối của Việt Nam - đó là tham nhũng và cảnh báo về đạo đức cán bộ trong thi hành công vụ.

Việc các doanh nghiệp Nhật “dính” vào lùm xùm đưa hối lộ cho công chức Việt không còn xa lạ mà từng xảy ra và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ một số quan chức PCI (trụ sở tại Nhật Bản) thừa nhận trước tòa đưa hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc PMU Đại lộ Đông - Tây TPHCM tại Việt Nam khoản tiền 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng để tham gia vào dự án nguồn vốn ODA. Tháng 10/2010, TAND TP. HCM tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sỹ tù chung thân về tội nhận hối lộ. Đến phiên phúc thẩm 9/2011, ông này được giảm án xuống còn 20 năm tù.

Điển hình nữa là vụ việc tháng 3/ 2014, chủ tịch của Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) lên tiếng thừa nhận: JTC hối lộ 80 triệu yên (782.640 USD) cho các quan chức Việt Nam để giành lấy hợp đồng dự án ODA trị giá lên đến 4,2 tỷ yên (41 triệu USD). Trong 5 quan chức chính phủ Việt Nam mà JTC đưa tiền hối lộ có một quan chức cấp cao thuộc ngành đường sắt Việt Nam.

Lùm xùm khiến Bộ Công an Việt Nam phải vào cuộc khởi tố. Sau đó, Bộ GTVT cho biết sẽ hoàn trả Nhật Bản tiền không minh bạch vụ JTC.  Thậm chí, việc rót vốn ODA cho Việt Nam thời điểm đó đã đình trệ, Nhật Bản chỉ nối lại sau khi đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

Nhìn nhận vụ việc này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, xét đến cùng đạo đức công vụ phải đặt lên hàng đầu đối với đội ngũ cán bộ, công chức. “Các quy định pháp lý phải minh bạch, rõ ràng, không chồng lấn, không có những khoảng trống… vì đấy là mảnh đất màu mỡ để việc mặc cả với doanh nghiệp diễn ra”, ông Lộc nói.

Chợt nhớ, một cán bộ lâu năm trong ngành Tài chính từng chia sẻ với người viết rất thật ý này: Cá nhân tôi cho rằng chỉ cần ngành thuế và hải quan “thu đúng, thu đủ”, đừng để tiền thuế “rơi vãi” ra ngoài (đồng vào túi doanh nghiệp, đồng vào túi người thực thi công vụ) thì có lẽ Bộ Tài chính sẽ không phải chật vật “cân đong” đo đếm từng sắc thuế...

MỚI - NÓNG