Đi chung nhà vệ sinh với học sinh: Làm mất hình ảnh người thầy!

Nhiều nhà vệ sinh trong trường học bẩn kinh khủng.
Nhiều nhà vệ sinh trong trường học bẩn kinh khủng.
TPO - Nhiều giáo viên đã lên tiếng trước thực trạng nhà vệ sinh của giáo viên sạch 'như ở khách sạn' còn của học sinh lại bốc mùi hôi thối khiến phụ huynh cũng như không ít giáo viên đã đề nghị thầy cô “đi chung” với học sinh để cải thiện chuyện “khổ lắm nói mãi” này.

Không thể đi chung vì sẽ mất “hình ảnh” người thầy!!!

Thầy NVT, giáo viên của một trường THCS của quận Đống Đa (Hà Nội) phản đối việc đi chung giữa giáo viên và học sinh. Lý do được giáo viên này đưa ra là như vậy sẽ mất đi “hình ảnh người thầy”.

Theo thầy NVT, đi chung sẽ “bất cập” ở chỗ: “Tôi là giáo viên, không thể đi cùng để học sinh thấy cảnh tế nhị được. Hình ảnh người thầy như vậy sẽ không chuẩn”.

Theo thầy NVT, Hà Nội đang xây dựng trường học chuẩn thì có vệ sinh nam, nữ riêng. Việc sạch sẽ phụ thuộc vào ý thức của từng học sinh và tiền thuê người quét dọn chứ gần nghìn người đi mà không được dọn dẹp thường xuyên thì vẫn khai, vẫn bẩn.

“Việc nhà vệ sinh của học sinh sạch sẽ phù thuộc ý thức của học sinh cũng như việc dọn dẹp hàng ngày, hàng tiết. Với một lao công như hiện nay sẽ là quá tải nếu tiết nào cũng phải làm vệ sinh. Mà sau 4-5 tiết với cả mấy trăm học sinh đi thì không bẩn mới là lạ.” - thầy NVT cho hay.

Cô N. Thị Dung, giáo viên dạy môn Hóa của một trường THCS ở Hà Nội cho rằng, cũng không thể đi chung như vậy sẽ rất bất tiện: “Giáo viên trong trường cũng đã đông lại cộng thêm hơn 700 học sinh nữa trong khi đó chỉ có 1-2 nhà vệ sinh, thời gian giữa tiết chỉ có 5 phút, chẳng lẽ đợi nhau. Mặt khác, nếu giáo viên đi cùng nhau thì được, nếu có học sinh thì các em cũng phải… giữ kẽ, thế thì có tắc nghẽn hơn thôi, mà không được dọn dẹp, bẩn sẽ hoàn bẩn”- cô Dung nhận xét.

Bà Nguyễn Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Dương Liễu (Hà Nội) cũng cho rằng, việc “đi chung” sẽ rất bất tiện vì học sinh thì quá đông, giờ ra chơi chỉ có 5 phút sau mỗi tiết.

“Đôi khi nhà trường còn có khách, phụ huynh đến chả nhẽ cứ phải chờ đợi học sinh, trong khi đó nếu không được quét dọn liên tục thì với số học sinh đông sẽ không thể hết mùi”- bà Dung thừa nhận.

Cắt “hầu bao” để sửa chữa, thuê lao công dọn dẹp

Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cũng cho biết, vài năm trở lại đây tiền ngân sách được rót về trường hàng năm là khoảng 500 triệu đồng cho tất cả các hoạt động trong năm. Vì thế, nếu chi cho vệ sinh tăng lên thì tiền cho các hoạt động khác sẽ bị cắt giảm đi.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, nhà trường được cấp kinh phí xây nhà vệ sinh một lần và sau cứ hỏng gì là phải tự sửa chữa, tiền đó phải lấy từ nguồn kinh phí của nhà trường. Hiện nay, với hơn 700 học sinh và hàng mấy chục giáo viên, nhà trường chỉ dám thuê nhân công thời vụ quét dọn, mỗi ngày 3 lần vào các buổi sáng, trưa, chiều. 

Tuy nhiên, theo vị hiệu trưởng này, lượng học sinh đông, một lao công có khi dọn không xuể khiến nhà vệ sinh của học sinh bẩn kinh hoàng là phải chấp nhận: “Năm ngoái, riêng nhà vệ sinh hỏng hóc sửa chữa đã lên tới 8-9 triệu. Kể cả lương lao công một vị nên một năm mất đứt hơn 30 triệu, bằng 1/17 ngân sách .Trong khi đó, tiền điện, tiền chi các hoạt động trong năm, cho giáo viên và học sinh mỗi thứ một tý nên phình cái này thì phải bóp cái kia”- vị hiệu trưởng này thừa nhận.

Hiệu trưởng này cho rằng, để học sinh đi bẩn khiến các cô giáo cũng đau lòng, tuy nhiên, nhà trường không thể có tiền để chi thuê lao công thêm.

“Nếu nhà trường có tiền khoảng 4 triệu thì có thể thuê 2 lao công thay vì một cô như hiện nay. Thay vì cả buổi mới có người quét dọn một lần thì sẽ được quét dọn sau từng tiết. Nhưng tiền không có không thể sạch được”- Hiệu trưởng này cho hay.

Hiệu trưởng này cho rằng, khó có thể giải quyết việc nhà vệ sinh sạch sẽ là ghép việc đi chung của học sinh và giáo viên. Điều này khó có thể thực hiện được nếu thiếu tiền.

Và vấn đề eo óp kinh phí của trường này cũng là tình cảnh chung của nhiều trường công lập hiện nay trên địa bàn thủ đô.

MỚI - NÓNG