Dẹp loạn vỉa hè tại Hà Nội: Còn nóng vội, cứng nhắc

Trong việc phá dỡ bậc tam cấp, một số đơn vị cứng nhắc
Trong việc phá dỡ bậc tam cấp, một số đơn vị cứng nhắc
TPO - Việc phá dỡ bậc tam cấp, một số đơn vị cứng nhắc, phá dỡ không căn cứ vào lịch sử tồn tại điểm vi phạm, thực tế địa bàn, phá dỡ không báo trước để nhân dân chuẩn bị hoặc tự tháo dỡ… gây khó khăn trong sinh hoạt do nhà quá cao so với mặt hè, thậm chí có nơi còn chặt hạ hết cây xanh gây phản ứng trong nhân dân.

Sau 20 ngày thực hiện “chiến dịch” giành lại vỉa hè tại TP Hà Nội (từ 10/3-30/3), nhất là tại 12 quận nội thành, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt.

Trong đó, các cửa hàng không còn bày bán hàng hóa ra hè phố, lòng đường; các bục bệ, mái che, mái vẩy vi phạm hàng lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng tháo dỡ. Cụ thể, các quận, huyện đã phá dỡ 2.657 bục bệ, cầu dẫn, cầu dắt xe; tháo dỡ hơn 5.000 mái che, mái vẩy; thu giữ gần 1.500 biển quảng cáo, biển hiệu vi phạm…; Lực lượng CSTT-PƯN đã kiểm tra, xử lý 2.140 trường hợp, phạt hành chính 734 triệu đồng; CSGT đã xử lý 1.786 trường hợp dừng đỗ xe sai quy định.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong giải quyết vi phạm lòng đường, hè phố, song Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội cho rằng kết quả chưa bền vững, còn nhiều điểm phức tạp. Vào các khung giờ cao điểm từ 6h30-8h; 11h30 -13h; 17h -20h tình trạng hàng ăn, uống chiếm dụng vỉa hè vẫn còn nhiều; nhiều cơ quan, đơn vị vẫn để xe trên vỉa hè, lòng đường, thậm chí có nơi còn để xe tràn lan.

Mặt khác, một số đơn vị còn thực hiện chưa đúng chủ trương của thành phố, trong đó có nơi thực hiện cứng nhắc, thiếu trách nhiệm, gây dư luận, phản ứng. Đặc biệt là trong việc phá dỡ bậc tam cấp, một số đơn vị cứng nhắc, phá dỡ không căn cứ vào lịch sử tồn tại điểm vi phạm, thực tế địa bàn, phá dỡ không báo trước để nhân dân chuẩn bị hoặc tự tháo dỡ…gây khó khăn trong sinh hoạt (nhà quá cao so với mặt hè), gây phản ứng trong nhân dân. Thậm chí tại xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức còn chặt bỏ hàng trăm cây xanh bên đường.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc, xe khách núp bóng xe hợp đồng để chạy tuyến cố định, xe ba bánh còn gặp nhiều khó khăn, chưa giải quyết được triệt để.

Ban Chỉ đạo 197 thành phố cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu để phương tiện thì các quận, huyện mới chỉ ra quân xử lý mà chưa nghiên cứu nơi để bố trí sắp xếp phương tiện cho nhân dân. Cùng với đó, một số đơn vị chưa làm tốt công tác điều tra cơ bản, còn nóng vội, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo chỉ đạo trước đó của Chủ tịch UBND TP Hà Nội  - Nguyễn Đức Chung thì từ ngày 10/3, thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện còn vi phạm thì nhắc nhở người dân tự giác thực hiện, song đã có đơn vị tiến hành xử lý, cưỡng chế phá dỡ ngay dẫn đến công tác tuyên truyền, xử lý chưa đạt yêu cầu.

Trước những tồn tại nêu trên, Ban Chỉ đạo 197 thành phố kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, bố trí các điểm trông giữ phương tiện hợp lý để vừa đảm bảo trật tự công cộng vừa có chỗ đỗ xe cho nhân dân. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các điểm vi phạm chây ì, phức tạp, tái phạm nhiều lần.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 197 thành phố cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tổ chức khu vực riêng cho bán hàng rong hoặc nghiên cứu định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ kinh doanh tại vỉa hè.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.