Đền thờ Nữ hoàng Ai Cập chứa những kho báu bí ẩn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nhà khảo cổ học làm việc tại Luxor, Ai Cập, gần đây đã có một số khám phá tại khu vực xung quanh Deir al-Bahari, ngôi đền tang lễ nổi tiếng do Hatshepsut, một người phụ nữ cai trị Ai Cập với tư cách là một pharaoh, xây dựng.
Đền thờ Nữ hoàng Ai Cập chứa những kho báu bí ẩn ảnh 1

Các nhà khảo cổ học gần đây đã khai quật được những khối đá này từ ngôi đền thung lũng của Hatshepsut. (Ảnh: KHALED DESOUKI)

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy "kho báu" của ngôi đền gồm những đồ vật mà những người xây dựng cổ đại đã chôn khi họ bắt đầu xây dựng ngôi đền. Các hiện vật được tìm thấy bao gồm một chiếc rìu, một công cụ dùng để cắt và tạo hình gỗ; một chiếc búa gỗ; hai chiếc đục; một mô hình đúc bằng gỗ để làm gạch bùn; và hai viên đá chứa các hình ô van của Hatshepsut, hình bầu dục có chữ tượng hình có thể đại diện cho tên của một người cai trị, Zahi Hawass, cựu giám đốc Bộ Cổ vật Ai Cập, người đang chỉ đạo nhóm khai quật, cho biết.

Ngôi đền tang lễ được gọi là Djeser Djeseru vào thời cổ đại, và rìu, búa, mô hình đúc và một trong những chiếc đục có khắc chữ "vị thần tốt lành Neb Maat Re, trong ngôi đền Djeser Djeseru, được Amun yêu mến". Amun là vị thần chính của Thebes, hiện là Luxor. Từ "Neb Maat Re" ám chỉ tên và một số danh hiệu của thần mặt trời Re (còn được gọi là Ra).

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra 1.500 khối đá nhiều màu sắc là một phần của ngôi đền thung lũng Hatshepsut, nằm gần đền tang lễ của nữ pharaoh Hatshepsut. Ngôi đền thung lũng được trang trí bằng nhiều cảnh khác nhau, một số trong đó vẫn có thể nhìn thấy trên các khối đá.

Hatshepsut là một nữ pharaoh trị vì từ khoảng năm 1473 đến 1458 trước Công nguyên, trong triều đại thứ 18. Bà là mẹ kế của Thutmose III, người đôi khi giữ chức đồng cai trị và kế vị bà sau khi bà qua đời. Hawass cho biết nhóm nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Thutmose III đã khôi phục lại đền thờ của Hatshepsut sau khi bà qua đời. Sau khi Hatshepsut qua đời, một số bức tượng và dòng chữ khắc của bà trên khắp Ai Cập đã bị phá hủy nhưng trong trường hợp này, Thutmose III đã tìm cách khôi phục lại ngôi đền của bà.

Những phát hiện khác ở Luxor

Nhóm khai quật đã thực hiện một số phát hiện khác ở Luxor, bao gồm một nghĩa trang có niên đại từ triều đại thứ 17 (khoảng năm 1635 đến 1550 trước Công nguyên), khi một số vùng của Ai Cập do một dân tộc ngoại bang gọi là Hyksos kiểm soát. Trong nghĩa trang, nhóm đã tìm thấy những chiếc quan tài chứa hài cốt của người Ai Cập cổ đại. Trong khi khai quật nghĩa trang, nhóm cũng tìm thấy di tích của cung và đầu mũi tên — vũ khí được sử dụng để chống lại người Hyksos, Hawass viết. Có khả năng một số lính canh nghĩa trang đã tham gia vào cuộc chiến chống lại người Hyksos.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy lăng mộ của Djehuty Mes, người giám sát cung điện của Nữ hoàng Tetisheri. Có một số tranh cãi về việc bà kết hôn với pharaoh nào, nhưng Nữ hoàng Tetisheri sống trong triều đại thứ 17 và có thể là đầu triều đại thứ 18. Bên trong lăng mộ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một bàn dâng lễ bằng đá vôi, một tấm bia mộ bằng đá vôi và một bình đựng mỹ phẩm làm bằng đá thạch cao và faience (gốm tráng men), Hawass cho biết.

Aidan Dodson, giáo sư danh dự ngành Ai Cập học tại Đại học Bristol ở Anh, cho biết: "Điều quan trọng nhất là phát hiện ra các khối đá từ ngôi đền thung lũng của Hatshepsut. Trong khi ngôi đền chính của bà đã được khai quật và nghiên cứu rộng rãi kể từ giữa thế kỷ 19, ngôi đền thung lũng đã được Howard Carter kiểm tra sơ bộ cách đây khoảng 120 năm”.

Việc phân tích những khám phá của nhóm vẫn đang được tiến hành.

Theo Live Science
MỚI - NÓNG
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
TPO - Vài năm lại đây, Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Việt đã chọn cỗ chay thay vì mâm cỗ mặn truyền thống, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa dinh dưỡng, thanh lọc cơ thể đồng thời tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người băn khoăn liệu cúng chay có trái với văn hoá tâm linh người Việt và làm giảm đi sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, gia tiên?