Theo Hoàn cầu thời báo, tiêm kích dạng này có năng lực vượt trội nếu so với các trực thăng tấn công trong nhiệm vụ đổ bộ lên đảo hay bảo vệ đảo. Do đó, các máy bay này sẽ rất hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp đảo, chuyên gia nói.
Mặc dù Trung Quốc chưa công bố kế hoạch phát triển tiêm kích hạ cánh thẳng đứng, họ vẫn cần tiêm kích tàng hình cho các tàu sân bay trong tương lai và theo Hoàn cầu, có ba lựa chọn: một biến thể của tiêm kích tàng hình J-20, một biến thể của tiêm kích tàng hình FC-31 hoặc một loại máy bay mới hoàn toàn có năng lực cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), tạp chí Khoa học công nghệ công nghiệp ở Tây An chuyên về quốc phòng nói trong một bài báo.
Một máy bay STOVL có thể cất cánh từ một đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, tức là không cần đường băng, như máy bay F-35 của Mỹ là một ví dụ.
Tiêm kích STOVL thậm chí còn phát huy tác dụng trên tàu đổ bổ hơn cả trên tàu sân bay. Tàu đổ bộ không được thiết kế cho các máy bay cánh cố định thông thường hoạt động, nhưng một tiêm kích STOVL có thể cất và hạ cánh trên tàu đổ bộ, Ngụy Đông Húc, một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh nói với Hoàn cầu thời báo.
Trung Quốc đang phát triển tàu đổ bộ lớp Type 075 tương tự tàu lớp Wasp và America của Mỹ, theo một số bản tin của báo nước ngoài hồi tháng 5.
Trong một nhiệm vụ đổ bộ lên đảo, các tiêm kích STOVL có thể cất cánh từ tàu đổ bộ, với nhiều lựa chọn hiệu quả hơn trực thăng, có thể hỗ trợ điệp vụ đổ bộ, giành ưu thế trên không và tấn công các mục tiêu trên mặt đất, ông Ngụy nói, lưu ý rằng các máy bay này cũng có thể được triển khai lên đảo nhỏ, không đủ chỗ để xây sân bay tiêu chuẩn.
Mỹ đã triển khai F-35 lên tàu đổ bộ. Nhật Bản cũng đang có kế hoạch mua F-35B (phiên bản hải quân) trang bị cho các tàu lớp Izumo, hiện này là tàu khu trục chở trực thăng và sẽ trở thành tàu sân bay thực sự với máy bay F-35B.
Nhưng các chuyên gia quân sự nói Trung Quốc vẫn cần thêm thời gian trước khi một máy bay STOVL được phát triển. Nếu Trung Quốc muốn phát triển loại máy bay này, họ cần phải tạo ra được động cơ có độ tin cậy cao, có khả năng không chi cung cấp lực đẩy mà còn là lực nâng, kèm theo đó là các thiết bị cung cấp lực nâng ở giữa thân máy bay như cánh quạt nâng, ông Ngụy nói và lưu ý rằng hệ thống điều khiển bay của các máy bay STOVL rất phức tạp.
Tiêm kích J-20 của Trung Quốc
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được điểm yếu chí mạng trong việc chế tạo máy bay chiến đấu. Họ chưa thể sản xuất được các động cơ có đủ độ tin cậy và vẫn phải dựa vào Nga. Các tiêm kích tàng hình “con cưng” J-20 đã từng được kỳ vọng là mang động cơ thế hệ mới do Trung Quốc tự phát triển nhưng cuối cùng vẫn phải lắp một loại động cơ Nga, chế tạo cho các máy bay nhỏ hơn, yêu cầu thấp hơn, do vậy J-20 đã không đạt được một số chỉ số thao diễn như kỳ vọng.