Kết thúc ngày học chính khóa, các phụ huynh lại tất bật đưa con lao đến các lớp học thêm. Học thêm gần như đã trở thành việc thường nhật của học sinh, đặc biệt với học sinh cấp ba và học sinh đang trong giai đoạn chuẩn bị cho kì thi chuyển cấp. “Điệp khúc” học thêm từ tiểu học đến lớp 12
Con số 80% học sinh ở TPHCM phải học thêm đã cho thấy bức tranh dạy thêm, học thêm ở TPHCM vẫn nhộn nhịp và thị phần này vẫn đầy tiềm năng.
Trước cổng trường THCS Kiến Thiến (quận 3) lúc 19h, từng tốp học sinh liên tục tràn ra từ các lớp học thêm. Nhìn thoáng qua phù hiệu trên vai áo đồng phục của các cô bé, cậu bé mới thấy đây là điểm học thêm của khá nhiều học sinh của các trường khác nhau như THCS Bàn Cờ, THCS Lê Quý Đôn, Tiểu học Phan Văn Hân…
Chị Hương (quận 3) lo lắng hỏi cậu con trai đang học lớp 6 vừa bước ra khỏi lớp học thêm: “Sao hôm nay tan trễ vậy? Con uống sữa chưa? Uống mấy hộp?” Cậu bé uể oải trả lời nhát gừng rồi ngồi lên xe máy giục mẹ về nhà.
Đứng đợi con bên ngoài, chị Ngọc (quận 5) than thở: “Tuần nào tôi cũng mất 3 buổi không làm được gì, chỉ có đưa rước con đi học thêm. Mới học có lớp 5 mà sao nhiều bài tập đến vậy”.
Dạo quanh khu vực dạy thêm, học thêm ở thành phố sẽ thấy bức tranh phụ huynh chờ đón con học thêm ở các trung tâm văn hóa ngoài giờ vẫn luôn nhộn nhịp. Ở cổng Trường THCS Minh Đức, Tiểu học Nguyễn Thái Học, THPT Tenlơman, THPT Trần Đại Nghĩa…, hàng trăm phụ huynh kẻ đứng, người ngồi trên xe tán chuyện, chờ con ra về.
Phụ huynh nhà ở xa thì tranh thủ gục đầu, ngả lưng trên xe máy cho đỡ mệt. Hỏi qua lý do vì sao cho con đi học thêm, đa phần phụ huynh đều cho rằng học ở trường không đủ kiến thức để đạt được mục tiêu là thi vào các trường điểm ở đầu cấp học và đỗ đại học.
Anh Hoàng (quận Bình Thạnh) có con học lớp 12 chia sẻ: “Đưa đón con đi học thêm cực khổ lắm, ngày khô ráo còn đỡ, ngày mưa thì cực vô cùng nhưng phải cố thôi vì hầu như học sinh nào trong lớp của cháu cũng đi học thêm. Năm nay thi cử thay đổi như thế, không học thêm thì biết thi thế nào?”
Phụ huynh sốt ruột chờ con ngoài trung tâm dạy thêm
Minh Quang đang học lớp 9 ngập đầu lịch học thêm của ba môn thi chuyển cấp: “Lịch học Toán và Văn của em được chia đều cho các ngày từ thứ hai đến thứ sáu. Hai ngày cuối tuần: thứ bảy và chủ nhật là thời gian dành cho môn Văn. Dù rất mệt vì liên tục học thêm nhưng em phải cố gắng vì kỳ thi vào lớp 10 rất quan trọng. Chỉ hy vọng lên cấp ba sẽ thư thả hơn”.
Khó kiểm soát dạy thêm học thêm?
Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ GDĐT công bố, việc tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa bị cấm, không dạy thêm đối với học sinh được học 2 buổi một ngày, học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Sau giờ lên lớp, giáo viên không được dạy thêm cho học sinh mình đang giảng dạy chính khóa (trừ khi có sự đồng ý của hiệu trưởng). Hiệu trưởng sau khi tiếp nhận đơn phải phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học. Các lớp học thêm phải đảm bảo học lực của học sinh tương đương nhau.
Như vậy, chỉ cần có đơn tự nguyện xin học của phụ huynh là hoàn toàn có thể dạy thêm. Trên thực tế, khi thầy cô giáo tổ chức dạy thêm và có thông báo với phụ huynh, không phụ huynh nào không đăng ký tự nguyện học. Việc học thêm này thường được tổ chức ở nhà cô giáo, nhà học sinh hoặc thậm chí giáo viên hoặc phụ huynh thuê hẳn địa điểm vào những ngày nghỉ và buổi tối.
Điểm đáng lưu ý của quy định mới là giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra dạy thêm nhưng có thể tham gia giảng dạy ở các trung tâm. Như vậy, giáo viên ngoài biên chế, hưu trí, thôi việc… mới có thể là người tổ chức dạy thêm.
Có vẻ như quy định này sẽ mở ra một loại dịch vụ mới: Tổ chức lớp dạy thêm học thêm ngoài trường học cho học sinh tiểu học, THCS, tương tự các trung tâm luyện thi. Giáo viên biên chế có thể được dạy thêm tại những trung tâm này nhưng phải qua khâu… trung gian.
Một giáo viên tiểu học tiết lộ, thu nhập từ dạy thêm mới là nguồn thu chính của cô. Đó cũng là thực trạng của hầu hết các giáo viên hiện nay. Năm học nào Bộ, Sở cũng đưa ra các quy định nghe có vẻ rất chặt chẽ và hợp lý để quản lý việc dạy thêm, học thêm nhưng thực tế, quy định nào cũng có lỗ hổng và có rất nhiều “khe” để giáo viên “lách luật”.
Áp lực học tập từ lớp chính khóa, lớp học thêm khiến không ít học sinh suy nhược, trầm cảm khi cứ cố phải đua theo các thứ hạng cao hay cơ hội vào một trường tốt. Thêm vào đó, vì được cha mẹ cho đi học thêm từ rất sớm ngay từ cấp học tiểu học nên một bộ phận không nhỏ học sinh thường ỷ lại, lười suy nghĩ mà chủ yếu trông vào sự kèm cặp và ôn luyện từ các lớp học thêm để có đủ hành trang trước mỗi kỳ thi. Chính điều này dẫn đến việc học sinh thiếu khả năng tự học, tự tìm tòi để giải quyết vấn đề, một trong những kỹ năng rất cần thiết khi bước vào giảng đường đại học.