Đêm Cà Mau nằm nghe đất lở

Ông Lến sửa lại nhà bị sạt lở. Ảnh: Tiến Hưng.
Ông Lến sửa lại nhà bị sạt lở. Ảnh: Tiến Hưng.
TP - Những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, đất hút nước thêm nặng, cộng với triều cường xuống thấp, xảy ra sạt lở, đe dọa hàng ngàn hộ dân sống ven sông Cà Mau.

Mùa… không dám ngủ        

Tại khóm 1, thị trấn Năm Căn có hơn 20 hộ dân đang nơm nớp lo đất sạt lở, đe dọa đến tính mạng, tài sản dân cư ven sông. Ông Nguyễn Dũng Sỹ, Trưởng khóm 1 nói: “Hiện tượng sạt lở đất ven sông Cái Lớn kéo phần nhà sàn của bà con làm vựa cua, vựa tôm dịch chuyển ra sông. Phía trên bờ sông cũng có vết rạn nứt, dịch chuyển, có nguy cơ sụp lở”.

Vựa cua biển của bà Phạm Thị Cưỡng có trụ bê-tông, sàn gỗ đước vừa bị đất sạt lở gây hư hại nặng. Bà Cưỡng kể: “Đêm qua đang ngủ, nghe tiếng kêu rắc rắc, mở mắt ra thấy phần nhà phía sau sụp xuống vài tấc, dịch ra phía sông gần nửa thước. Vậy là không dám ngủ tiếp và thức canh tới sáng!”.

Ông Trần Minh Lến cũng như nhiều gia đình ở khóm 1 đang tất bật mua cừ tràm, đước  và ván thông…để làm lại nhà. “Cứ vào mùa mưa là sạt lở đất, thường xảy ra lúc triều cường rút xuống. Năm nào cũng phải mất hàng chục triệu đồng gia cố, sửa chữa để nhà không bị nhào xuống sông vì đất sạt lở”- ông Lến nói.

Vợ ông Lến, bà Trần Thị Sảnh vừa dọn dẹp, chuyển đồ đạc lên bờ, phụ giúp chồng sửa chữa nhà. Bà Sảnh than thở: “Mùa này, bà con ở ven sông rạch ngủ không yên giấc, lo sợ, để ý có tiếng động gì khác. Cứ chiều có mưa lớn, nước ròng sát, nghe tiếng cục kịch, răng rắc y như là sụp đất, hư nhà cửa”.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn cho biết, ven sông thị trấn Năm Căn liên tục xuất hiện sạt lở đất, nguy cơ sạt lở rất cao vì bà con xây cất nhà ven sông để thuận lợi làm ăn. “Chúng tôi đã cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, người già, trẻ em, phụ nữ có thai ở phần nhà kiên cố, chắc chắn và chủ động dọn dẹp tài sản có giá trị đến chỗ an toàn”- ông Phạm Trường Giang nói.

Sạt lở khắp nơi

Ngày 9/6, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Năm Căn cho biết, trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, gây thiệt hại lớn cho người dân địa phương. Tại xã Lâm Hải đã xảy ra nhiều điểm sạt lở ở các ấp Biện Trượng, ấp Trường Đức và ấp Chà Là với tổng chiều dài 74m đường,  trong đó có 43m lộ bê-tông, 2 căn nhà bị vùi xuống nước. Tổng mức tài sản thiệt hại khoảng 265 triệu đồng. Tại ấp 2, xã Hàng Vịnh sạt lở kéo dài trên 21m, hư hỏng 3 mái che trại giống. Tại khóm 1, thị trấn Năm Căn sạt lở đất ven sông Cái Lớn làm hư hỏng nhiều trại mua hải sản và xuất hiện sạt lở trên diện rộng. Tại xã Tam Giang, ngày 7/6 xảy ra 1 vụ sạt lở đất làm hư hại một căn nhà và nhiều tài sản.

Không riêng huyện Năm Căn, tình trạng sạt lở cũng diễn ra tại nhiều huyện, thành phố trong tỉnh Cà Mau. Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau cho biết, ngày 30/5, tuyến sông Gành Hào bị sạt lở dài 5m, ảnh hưởng 1 hộ dân ven sông. Tuyến sông xã Hòa Thành sạt lở 1.500m đường ven sông.

Ngày 6/6, tại xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) xảy ra 1 vụ sạt lở đất ven sông dài trên 45m khiến 1 căn nhà và tài sản tổng giá trị khoảng 23 triệu đồng bị cuốn theo dòng nước. Liên tiếp những ngày sau đó, nhiều vụ sạt lở đất đã xảy ra, trong đó, ngày 7/6 sạt lở ven sông cặp lộ Tân Tiến- Nguyễn Huân làm con lộ này hư hại 27m. Ngày 8/6, xảy ra liên tiếp 2 vụ sạt lở đất có chiều dài 38m, trong đó 30m bờ kè bê- tông, 1 căn nhà bị vùi xuống nước, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân và trực tiếp đe dọa đến các công trình đã và đang được đầu tư xây dựng. Thống kê các cơ quan chức năng Cà Mau cho thấy, mỗi năm sạt lở đất đã làm mất đi khoảng 900ha, trong đó hơn 120ha là đất ven biển, còn lại là đất ven sông.

MỚI - NÓNG