Đề xuất tiếp tục miễn thực hiện kê khai, công bố giá vắc xin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính phủ đề xuất 4 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, trong đó kiến nghị tiếp tục miễn thực hiện kê khai, công bố giá đối với vắc xin mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho Nhân dân cho đến khi công bố hết dịch.
Đề xuất tiếp tục miễn thực hiện kê khai, công bố giá vắc xin COVID-19 ảnh 1

Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu việc chuyển phân loại bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành

Nghiên cứu công bố hết dịch COVID-19

Sáng 14/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.

Đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan có báo cáo gửi đến phiên họp, trong đó đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết số 30 đã huy động sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu, bảo đảm kịp thời, thống nhất, xuyên suốt và có sự điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã áp dụng hiệu quả, linh hoạt hầu hết các biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch như trong tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Liên quan đến việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành đối với thuốc, vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm, Bộ trưởng cho biết, các biện pháp này được áp dụng từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86 để cụ thể hóa Nghị quyết số 30 và cho đến nay vẫn tiếp tục áp dụng hiệu quả.

Về cấp phép thuốc, vắc xin nhập khẩu, các thủ tục hành chính đã được rút gọn, trong đó đã cấp phép nhập khẩu cho 9 loại vắc xin COVID-19 theo 108 đơn hàng nhập khẩu với tổng số hơn 300 triệu liều. Cùng với đó, Bộ Y tế đã cấp 5 số đăng ký lưu hành đối với thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 và tiếp nhận 5 hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin phòng COVID-19 nhưng đến nay chưa đủ điều kiện để cấp đăng ký lưu hành.

Về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong mua sắm, biện pháp này được áp dụng chủ yếu sau khi ban hành Nghị quyết số 30 và trong cao điểm của đợt dịch lần thứ tư khi vắc xin, sinh phẩm, thuốc điều trị còn khan hiếm. Khi dịch được kiểm soát và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38 thì việc mua sắm thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Về nhiệm vụ, giải pháp tới đây, Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu việc chuyển phân loại bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững; công bố hết dịch COVID-19 phù hợp với thực tế tình hình dịch và kinh nghiệm quốc tế. Tiếp tục Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, thực hiện tiêm mũi tăng cường và tăng độ bao phủ tiêm vắc xin cho trẻ em an toàn, khoa học.

Đề xuất 4 chính sách lớn

Đối với một số chính sách đã triển khai nhưng cần thêm thời gian để thực hiện, Chính phủ đề xuất 4 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Cụ thể, về các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn cho đến khi hoàn thành.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, trên cơ sở nhất trí về sự cần thiết tiếp tục thanh toán chế độ chính sách cho người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, nếu đề xuất thực hiện “cho đến khi hoàn thành” thì có thể tạo ra tâm lý trì trệ thanh toán, tiếp tục không thanh toán kịp thời cho các đối tượng, gây ra bức xúc trong dư luận xã hội, do đó, Chính phủ cần đề xuất thời hạn hoàn thành (có thể trong quý I năm 2023) và có giải pháp thực hiện cụ thể.

Đề xuất thứ hai, trong trường hợp dịch có diễn biến phức tạp ở cấp độ 3, cấp độ 4 theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP thì được phép áp dụng biện pháp "ngừng hoạt động" như trong tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Nghị quyết số 30.

Về việc này, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có đánh giá việc thực hiện các quy định về việc phân loại cấp độ dịch, phạm vi đánh giá cấp độ dịch, tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, thẩm quyền xác định cấp độ dịch và các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch, đặc biệt là đối với cấp độ 3, cấp độ 4 để đề xuất nội dung cụ thể quy định trong Nghị quyết mà không viện dẫn văn bản quy định tạm thời của Chính phủ.

Thứ ba, Chính phủ cũng đề xuất, việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30 được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cho đến khi công bố hết dịch COVID-19.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung các số liệu về kết quả thực hiện chính sách, sự cần thiết, tính thuyết phục của việc tiếp tục kéo dài các chính sách và có giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn (nếu có) và sớm hoàn thành việc thanh quyết toán các chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 theo quy định của Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15.

Thứ tư là đề xuất tiếp tục miễn thực hiện kê khai, công bố giá đối với vắc xin mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho Nhân dân tại Khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 168/NQ-CP cho đến khi công bố hết dịch. Theo Chính phủ, thực tiễn trong đàm phán mua vắc xin phòng COVID-19, một số nhà sản xuất chỉ thực hiện đàm phán cấp Chính phủ (bao gồm đàm phán giá) và có yêu cầu bảo mật thông tin về giá (không thực hiện kê khai giá, công bố giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế).

Về đề xuất này, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc cho phép miễn kê khai giá vắc xin được thực hiện trong bối cảnh khan hiếm vắc xin, ít nhà sản xuất, do đó, cần đánh giá lại sự cần thiết của chính sách này trong bối cảnh mới khi đã có nhiều nơi sản xuất vắc xin hơn và tỷ lệ tiêm chủng của nước ta cũng đang đạt mức cao. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể thời gian thực hiện, tương tự như các kiến nghị khác vì việc kéo dài thời hạn “cho đến khi công bố hết dịch” là rất chung chung.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo trên cơ sở ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội. Các nội dung báo cáo, kiến nghị của Chính phủ phải có căn cứ thuyết phục Quốc hội xem xét, quyết định.
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.