Đề xuất tăng hạn mức, sửa nhóm học sinh, sinh viên được vay vốn học tập

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
TPO - Nếu quy định mới được Chính phủ thông qua, học sinh, sinh viên (HS, SV) vay tín dụng học tập sẽ được tối đa 4 triệu đồng/tháng, gần gấp đôi hạn mức hiện hành. Bên cạnh đó, nhóm HS, SV được vay, thời hạn trả nợ gốc và lãi lần đầu cũng được điều chỉnh.

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng về tín dụng đối với HS, SV.

Theo đó, HS, SV được vay tín dụng ngoài thuộc hộ nghèo, hộ gặp tai nạn, thiên tai, dịch hoạ trong thời gian đang đi học, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm nhóm HS, SV thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình (theo chuẩn quy định của pháp luật).

Bỏ quy định HS, SV thuộc gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo.

Về hạn mức vay tối đa, Bộ Tài chính đề xuất tăng lên 4 triệu đồng/tháng/HS, SV, thay cho mức 2,5 triệu đồng/tháng hiện hành. Nếu được thông qua, đây là lần tăng hạn mức tín dụng HS, SV thứ 9 từ năm 2007 tới nay (hạn mức vay ban đầu chỉ 800 nghìn đồng/tháng).

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về trả nợ gốc và lãi vay căn cứ theo thời gian thay vì công việc. Cụ thể: Kể từ ngày HS, SV kết thúc khóa học 12 tháng phải trả nợ gốc và lãi vay lần đầu tiên. Quy định này thay cho quy định cũ về trả nợ gốc và lãi vay lần đầu là khi HS, VS ra trường có việc làm, có thu nhập, nhưng không quá 12 tháng từ ngày tốt nghiệp.

Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định giảm lãi suất với người vay trả nợ trước hạn (hiện Ngân hàng Chính sách xã hội quy định giảm 50% lãi vay cho HS, SV trả nợ trước hạn).

Nếu được thông qua, quy định mới sẽ áp dụng ngay trong năm nay. Với các hợp đồng tín dụng HS, SV đã ký trước thời điểm quyết định trên có hiệu lực vẫn áp dụng theo hợp đồng đã ký. Riêng hạn mức vay được điều chỉnh tăng theo quy định mới với phần vốn vay giải ngân khi quy định trên có hiệu lực.

Bộ Tài chính đánh giá, Quyết định 157/2007 đã trải qua hơn 14 năm thực hiện. Quá trình triển khai chính sách có một số phát sinh, vướng mắc cần thay đổi cho phù hợp.

Điển hình như quy định HS, SV ra trường có việc làm và thu nhập mới trả nợ nên phụ thuộc vào tự kê khai của người vay và gia đình. Hạn mức vay tối đa 2,5 triệu đồng/tháng (áp dụng từ tháng 11/2019, qua 8 lần tăng), hiện không còn phù hợp, chỉ đủ trả học phí, trong Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu tăng học phí trong thời gian tới.

Về cơ chế giảm lãi khi trả nợ trước hạn (hiện giảm 50% lãi nếu trả trước), mục đích để hỗ trợ HS, SV và gia đình có khó khăn lâu dài, như hộ nghèo, người mồ côi, nhưng thực tế nhóm này khó có khả năng trả nợ trước, ít được hưởng chính sách, nên đề xuất bỏ.

Từ năm 2007-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho trên 3,6 triệu HS, SV vay tín dụng học tập, tổng số tiền hơn 66.000 tỷ đồng, thu hồi nợ hơn 55.600 tỷ đồng. Dự nợ tới hết năm 2020 còn hơn 10.400 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn 105 tỷ đồng (bằng 1% tổng dư nợ). Tỷ lệ HS, SV có nhu cầu vay vốn học tập chiếm 10 – 15% số lượng nhập học hàng năm.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.