Đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí: Không phù hợp

a
a
TP - “Việc sửa Điều 7, Luật Báo chí theo hướng báo chí phải cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra các cấp là đề xuất không phù hợp” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến trao đổi với Tiền Phong.

> Bốn trường hợp không cung cấp thông tin cho báo chí
> Bổ sung quy định yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin

Ông Lê Như Tiến nói: Mục đích điều tra của báo chí và điều tra của cơ quan điều tra là rất khác biệt về cả mục đích và trình tự, thủ tục. Các cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhằm thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của tội phạm theo Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Nhưng báo chí - cơ quan ngôn luận và truyền thông điều tra theo Luật Báo chí, bằng thông tin công khai trên báo để định hướng dư luận, cảnh báo dư luận về những vi phạm pháp luật đã hoặc sắp xảy ra. Đấy cũng là nhiệm vụ và là chức năng rất riêng của báo chí.

Thưa ông, mới đây Bộ Công an đề xuất sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng báo chí có nghĩa vụ cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra các cấp. Ông thấy đề xuất đó có phù hợp không ?

Trước hết phải nói rằng, đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí chỉ mới là đề xuất của một cơ quan. Bởi cho đến nay, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - cơ quan có chức năng thẩm tra các dự án luật về văn hóa - thông tin và truyền thông (trong đó có báo chí) chưa hề nhận được bất kỳ một văn bản, một ý kiến chính thức nào của các bộ, ngành về việc sửa đổi Luật Báo chí.

Hơn nữa, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và thời gian tới của Quốc hội (đã được thông qua) cũng không có nội dung về sửa đổi Luật Báo chí.

Về đề xuất sửa Điều 7 Luật Báo chí, cụ thể là sửa theo hướng báo chí phải cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra các cấp thì đó là một đề xuất không phù hợp.

Theo Luật Báo chí, cơ quan báo chí chỉ cung cấp nguồn tin cho Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, trong trường hợp phải xử lý các vụ án nghiêm trọng, chứ không phải cơ quan nào muốn yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin cũng được.

Theo tôi, các cơ quan có chức năng điều tra như cơ quan điều tra của Bộ Công an đã có cả một bộ máy hoàn chỉnh, bản thân cơ quan điều tra phải làm đúng chức năng là điều tra. Những cơ quan này có đầy đủ tư cách pháp lý, nghiệp vụ, phương tiện, có đủ điều kiện để tiến hành điều tra theo thẩm quyền của mình.

Còn báo chí khi tiến hành điều tra, thu thập thông tin là phục vụ cho mục đích định hướng dư luận với chức năng thông tin tuyên truyền. Báo chí không làm và cũng không có quyền tiến hành điều tra hình sự.

Các cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an và một số cơ quan khác không nên lấy nguồn tin từ báo chí thay cho hoạt động điều tra của mình, vì như thế sẽ làm giảm tính độc lập trong hoạt động điều tra.

Chỉ khi thật cần thiết, trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra mới phải sử dụng nguồn tin của báo chí, nhưng phải có một giới hạn như Luật Báo chí đã quy định.

Vì sao ông cho rằng, không nên mở rộng quy định báo chí phải cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra các cấp?

 Nếu mở rộng ra như đề xuất sửa điều 7 thì lại biến cơ quan báo chí thành một cơ quan của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án một cách tùy tiện.  

Vì báo chí có quyền năng riêng, thực hiện chức năng riêng của báo chí. Trong Luật Báo chí ghi rõ báo chí có chức năng định hướng dư luận và phải chấp hành pháp luật. Nếu thông tin không trung thực, khách quan thì tổng biên tập còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Báo chí không có nhiệm vụ phải thu thập thông tin rồi cung cấp cho một cơ quan điều tra nào đó. Quyền điều tra, thu thập nguồn tin riêng của cơ quan báo chí được luật định và báo chí phải chịu trách nhiệm, phải bảo vệ nguồn tin đó.

Nếu bất kỳ cơ quan điều tra cấp nào cũng được quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin sẽ rất nguy hiểm. Các cơ quan điều tra có bộ máy và đầy đủ điều kiện để tiến hành điều tra, tại sao lại phải yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin (?). Việc đề xuất mở rộng điều 7 phải cân nhắc thận trọng và chúng tôi cho rằng quyền quyết định vẫn là Quốc hội. Nhưng tôi nghĩ, không có căn cứ nào để cơ quan chức năng đề nghị đề xuất sửa luật như thế.

Khó chống tiêu cực

Nếu yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin cho cơ quan điều tra các cấp - tức là truy nguồn tin, sẽ có tác hại như thế nào, thưa ông?

Báo chí là một kênh thông tin quan trọng để định hướng dư luận, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội, nếu như báo chí tiết lộ về nguồn tin sẽ ảnh hưởng tới những cán bộ, những người đã cấp tin cho báo chí thì như vậy có còn khách quan trong quá trình điều tra sau này hay không. Giả sử một cán bộ nào đó cung cấp nguồn tin cho báo chí, bây giờ báo chí lại cung cấp cho các cơ quan điều tra về nguồn tin ấy chắc chắn sẽ có nhiều phức tạp đối với người cấp tin đó.

Nếu nhiều cơ quan được quyền truy nguồn tin thì hoạt động điều tra của cơ quan điều tra và báo chí sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Nếu mở rộng quy định về thẩm quyền truy nguồn tin sẽ làm giảm tính độc lập trong hoạt động điều tra của cả cơ quan báo chí và cơ quan điều tra.

Các cơ quan điều tra phải độc lập trong thu thập thông tin, không nên phụ thuộc vào nguồn tin của báo chí. Tuân thủ pháp luật trong điều tra là yêu cầu tối thượng. Mỗi cơ quan đều có chức năng riêng theo luật định, cơ quan này không phải là cấp dưới hay cấp trực thuộc của cơ quan kia.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Tuấn
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.