Sáng nay (17/10), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật sửa đổi 7 Luật của Bộ Tài chính, gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán và Luật Quản lý thuế.
Trong đó dự thảo Luật Quản lý thuế nhận được nhiều góp ý của doanh nghiệp, chuyên gia xoay quanh vấn đề hoàn thuế; quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế…
Cụ thể, dự thảo quy định, các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Cơ quan soạn thảo cũng bổ sung quy định các sàn thương mại điện tử, tổ chức cung cấp dịch vụ logistics (vận chuyển) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của thương nhân kinh doanh trên sàn, hoặc sử dụng dịch vụ logistics.
Quang cảnh hội thảo. |
Ông Phạm Đình Thưởng - thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho rằng, các quy định trên trái với pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế. Dự thảo có những mâu thuẫn với cả Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế giá trị gia tăng. Việc nộp thuế của tổ chức chi trả thu nhập phải dựa trên cơ sở khấu trừ thu nhập mà họ chi trả cho đối tượng nộp thuế, khác hoàn toàn về bản chất với việc kê khai, nộp thuế thay.
Các quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines), hay các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ đều không có quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải kê khai thay, nộp thuế thay (đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân) cho người bán.
Theo ông Thưởng, quy định có thể tạo gánh nặng, phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. “Việc kê khai, nộp thuế thay, chính là thu thuế thay cho cơ quan thuế. Gánh nặng sẽ đặt lên các sàn, vốn không có chuyên môn và không phải đại lý thuế. Theo khảo sát của VCCI năm 2022, nếu phải thực hiện kê khai, nộp thuế thay, các sàn phải đầu tư tới hàng chục tỷ đồng/năm cho nhân sự, nâng cấp hệ thống, cơ sở dữ liệu”, ông Thưởng lo ngại.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW - cho rằng, yêu cầu này chưa có tiền lệ ở các quốc gia khác. Ngoài kinh doanh trên sàn, theo ông Hà, việc thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nền tảng mạng xã hội còn nhiều bất cập, gần như chưa thể thực hiện thu thuế.
“Quy định này sẽ khiến các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang bán hàng trên mạng xã hội. Cơ quan thuế không nắm được thông tin về doanh thu của nhóm này. Cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng cấm”, ông Hà phân tích.
Từ góc độ người nộp thuế, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế, Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam - đề nghị làm rõ quy định liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức quản lý sàn giao dịch, nền tảng số trong việc khai thuế và nộp thuế thay. Quy định cần có hướng dẫn chi tiết, và cụ thể hơn về việc xác định các đối tượng phải khai thuế thay và các thủ tục đi kèm.
Về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, theo ông Tuấn, quy định đánh thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú trong nước, nhưng lại có thu nhập tại Việt Nam có thể không phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, cũng như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế, ông Tuấn còn đề xuất bổ sung quy định về cơ sở xác định thông tin, điều kiện cần thiết để áp dụng biện pháp cưỡng chế, đặc biệt là kê biên tài sản và thu tiền, tài sản từ bên thứ ba.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết, thời gian qua, VCCI nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp, về một số quy định tại dự thảo mang tính tăng thêm trách nhiệm, có thể kế đến như lĩnh vực thương mại điện tử liên quan đến hoạt động quản lý thuế. Đặt trong bối cảnh luật được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn, ông Tuấn cho rằng, điều này cần hết sức cân nhắc, đặc biệt là các quy định có tính chất tăng nặng nghĩa vụ.