Đề xuất phương án bịt kẽ hở thuế công ty đa quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý đề xuất áp dụng nguyên tắc thuế tối thiểu toàn cầu nhằm bịt kẽ hở thuế của công ty đa quốc gia.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính cho biết, chính sách ở nhiều quốc gia đang có kẽ hở, dễ bị các công ty đa quốc gia khai thác để giảm thiểu nghĩa vụ thuế. Nhất là việc chuyển lợi nhuận sang những quốc gia hay vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn, gây xói mòn cơ sở thuế.

Để ứng phó với tình trạng công ty đa quốc gia chuyển giá, né thuế, bên cạnh ký kết hiệp định thuế song phương giữa các nước, sáng kiến thuế quốc tế đa phương được khởi xướng nhằm chống lại hành vi trốn và tránh thuế của công ty đa quốc gia. Trong đó, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) và Giải pháp Hai trụ cột đã được các nước thành viên thông qua. Điểm nhấn là thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu (gọi tắt Trụ cột 2).

Là quốc gia đang phát triển, nhu cầu thu hút nguồn vốn từ bên ngoài là rất lớn, việc các nước tham gia và thực hiện Trụ cột 2 sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN của Việt Nam. Vì thế, Bộ Tài chính cho rằng, cần phải rà soát để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi thuế TNDN tại Luật thuế TNDN để một mặt không làm xói mòn cơ sở thuế. Mặt khác, vẫn đạt được mục tiêu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đảm bảo tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.

Đề xuất phương án bịt kẽ hở thuế công ty đa quốc gia ảnh 1

Sửa Luật Thuế TNDN tìm cách bịt kẽ hở thuế công ty đa quốc gia. Ảnh minh hoạ

Theo dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất 4 nhóm chính sách lớn của Luật Thuế TNDN gồm: Mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế thông qua việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát chính sách miễn, giảm thuế. Sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế TNDN nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.

MỚI - NÓNG