Ðề xuất phạt lao động công ích với người vi phạm hành chính

​ ÐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Ðồng Tháp) đề nghị bổ sung hình phạt lao động công ích đối với một số trường hợp vi phạm hành chính
​ ÐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Ðồng Tháp) đề nghị bổ sung hình phạt lao động công ích đối với một số trường hợp vi phạm hành chính
TP - Với lý do phạt tiền không phải lúc nào cũng hiệu quả, một số đại biểu đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định xử phạt lao động công ích đối với một số trường hợp vi phạm, có tình tiết tăng nặng, trong đó tập trung vào những người ở trong độ tuổi 16 đến 30.

Phạt tiền nhiều khi không hiệu quả

Sáng 18/6, thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) băn khoăn khi dự thảo luật không có quy định hình thức xử phạt lao động công ích. Theo bà Hoa, đây là biện pháp hữu hiệu, có tác dụng tích cực trong việc hình thành ý thức chấp hành pháp luật. “Thực tế hình thức phạt tiền không phải lúc nào cũng hiệu quả. Ví dụ, người bạo lực gia đình bị xử phạt tiền thì nguồn tiền là nguồn chung, dẫn đến nạn nhân của bạo lực gia đình lại là ‘nạn nhân kép’ vừa chịu bạo lực, vừa phải dùng tiền của gia đình đi nộp phạt”, bà Hoa phân tích, đồng thời đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu để bổ sung cơ chế bắt buộc người có hành vi vi phạm phải thực hiện việc lao động công ích.

Ủng hộ đề xuất trên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, nên áp dụng hình thức này đối với người vi phạm có độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi. Lý do nhiều người ở độ tuổi này được hỗ trợ tài chính từ người thân và chưa bị áp lực cao về tài chính. “Cũng giống như các nội dung đã quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chúng ta không có đủ con người, thiết bị, phương tiện để xử lý hết những người vi phạm nhưng luật đã làm cho số lượng người vi phạm pháp luật liên quan đến rượu, bia giảm sâu. Đưa ra hình thức xử phạt lao động công ích này vào luật cũng sẽ giảm đáng kể hành vi vi phạm pháp luật hành chính của thanh niên”, ông Cảnh nói.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đây là một biện pháp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Cho nên cách áp dụng là phải thông qua con đường tư pháp. Hơn nữa, khi đưa vào thì trong nhiều trường hợp cũng chưa khả thi. Ví dụ, một người từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh mà có một vi phạm về trật tự an toàn thì bắt buộc lao động công ích ở đâu? “Chúng ta chưa sẵn sàng lắm trong việc thiết kế một hệ thống các cơ sở để buộc phải lao động công ích cho nên rất khó. Đây cũng là vấn đề rất mới cho nên nếu đưa vào thì cần phải đánh giá tác động một cách toàn diện”, ông Long nói.

“Cắt điện nước thể hiện sự bất lực”

Liên quan đến đề xuất ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, quy định trên là phù hợp. Song để tránh tùy tiện, dễ phát sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Tạo đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng. Phân tích từ thực tế, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho hay, nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường, không chấp hành quy định xử phạt vi phạm hành chính, không dừng hành vi vi phạm. Trong trường hợp đó, nếu không có biện pháp cưỡng chế thì việc xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục. Hay trong lĩnh vực xây dựng, nếu người vi phạm không chấp hành ngay để công trình hoàn thành thì sẽ khó khắc phục hậu quả, khó cưỡng chế khôi phục hiện trạng, gây tốn kém.

Tranh luận lại các ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương nhận xét “Cắt điện, nước thể hiện sự bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng. Hơn nữa, theo ông Cương, đây là giải pháp không có tính nhân văn, khi những người không liên quan đến hành vi vi phạm hành chính đó lại trở thành nạn nhân của việc cưỡng chế. Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cũng cho biết, biện pháp là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước thể hiện sự yếu kém, bất lực và thực thi pháp luật không nghiêm của cơ quan công quyền. “Chúng ta có cả một bộ máy rất rộng lớn, đào tạo rất bài bản, chúng ta có 23 biện pháp rồi mà chúng ta vẫn không làm được, lại thêm một biện pháp này nữa, tôi cho rằng không đúng”. Đặc biệt, ông Cầu cảnh cáo, nếu đưa biện pháp này vào trong luật thì dễ bị lạm dụng.

Giải đáp các băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, Chính phủ đề xuất áp dụng quy định trên vì luật hiện hành chưa có biện pháp cưỡng chế các trường hợp đã bị đình chỉ, tước giấy phép, song vẫn cố tình hoạt động. Để tránh việc tùy tiện, theo ông Long, phạm vi áp dụng và đối tượng rất hạn chế trong trường hợp không xử lý được trên thực tế.

MỚI - NÓNG