Có hẳn khu vực ngoại thành và ngoại vi sản xuất thực phẩm cho Hà Nội, vậy vì sao phải canh tác trong nội thành, anh có thể cho biết?
Vấn đề là tất cả những người bán rau củ quả sẽ đổ xô đến Hà Nội vì bán được giá. Để có nhiều hàng, họ phải canh tác nhanh, đốt cháy giai đoạn, thí dụ bằng cách phá rừng ở vùng xa, vùng gần thì làm biến đổi gen, dùng hóa chất… Những nước tiên tiến như Singapore, Nhật… họ tin có thể giải quyết nhu cầu thực phẩm bằng quy trình tự cung tự cấp ngay tại đô thị, đỡ gánh nặng cho vùng nông thôn.
Lúc đấy nông thôn phải tính chuyện làm nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thực phẩm sạch hoàn toàn, mới mong tiêu thụ ở thủ đô. Nhưng nông dân cũng không thiệt mà lại khấm khá lên vì bán được giá cao.
Một số đô thị lớn trên thế giới cách đây 5-10 năm đã phát triển những ý tưởng canh tác nông nghiệp nội đô. Singapore, Nhật, Israel, Thụy Điển, Tây Ban Nha… làm nhà cao tầng trồng lúa, nuôi cá... Chỉ có bò là họ chưa nuôi được vì cần diện tích lớn trồng cỏ. Tương lai họ sản xuất cỏ ngay trong đô thị ra sao thì chưa biết.
Diện tích Hà Nội sau mở rộng tăng gần gấp bốn. Đất Hà Nội không thiếu, chúng ta đã dùng quỹ đất hiệu quả tối ưu chưa? Chắc là chưa, mà mới tận dụng trung tâm thôi. Hiệu quả ở đây theo nghĩa thông minh chứ không phải dùng hóa chất tàn phá đất…
Dân Hà Nội có lẽ không xa lạ gì với ý tưởng này vì thời bao cấp họ từng nuôi lợn gà trong các căn hộ tập thể cao tầng. Việc chăn nuôi này hẳn sẽ rất khác trong thời đại công nghệ 4.0?
Cơ sở của cuộc cách mạng mới liên quan chặt chẽ tới kiến trúc quy hoạch và hoàn toàn có thể kiểm soát bằng công nghệ số. Một số công trình trang trại cao tầng số hóa toàn bộ, đảm bảo tưới tiêu vừa đủ, tiết kiệm nhất đang hoạt động tốt ở Nhật, Singapore…
Họ còn tích hợp các tiện ích khác vào nhà ở. Văn phòng kiến trúc nổi tiếng nhất Singapore, Woha- ứng cử viên Nobel, vừa đoạt giải Công trình của năm tại LH Kiến trúc thế giới Amsterdam với tác phẩm Kampung Admiralty. Công trình đa chức năng vừa là nhà ở, vừa khám chữa bệnh, thương mại, tích hợp vườn trẻ, khu dưỡng lão... Cách đây mấy năm Woha đã thiết kế tòa nhà cao tầng rất thú vị, dưới chân là công viên xen kẽ với những tòa nhà khác. KTS tạo cho tòa nhà một lớp vỏ đặc biệt để các con vật ở dưới chân công viên có thể bò lên nhà. Đến một tầng cao nhất định thì chim chóc có thể bay về làm tổ.
Ông bạn tôi là giáo sư ĐH Quốc gia Sing kể sau khi con kênh cạnh nhà ông được cải tạo, người ta trồng các loại cây mà động vật hoang dã (không phải thú dữ) ưa thích nhằm lôi kéo chúng về. Họ làm tốt đến mức thú rừng chạy vào cả trường học. Có một bà bị lợn rừng cắn, đưa ầm lên trang nhất các báo Sing... Họ phát triển cao đến mức không phải để tách rời con người khỏi thiên nhiên mà ngược lại.
Hà Nội chưa thể như Sing nhưng đó là một gợi ý tốt, tham khảo cho tầm nhìn dài hạn. Quan trọng là từ quan chức, dân chúng đến nhà khoa học đều phải có ý thức phát triển bền vững mới hy vọng mọi chuyện chuyển biến được.
Từ hình mẫu đó, theo anh Hà Nội nên áp dụng thế nào với hiện trạng này?
Cần sớm quan tâm đến khu vực Hà Nội mở rộng khi vùng lõi chưa quá tải quá đáng. Nếu hàng nghìn dự án bất động sản tiếp tục lan ra vùng mở rộng, tôi e rằng sẽ thành bệnh nan y.
Để tránh sự đã rồi, tôi nghĩ cần sớm quy hoạch những khu tự cung tự cấp thực phẩm cho Hà Nội ở vùng mở rộng. Vùng mở rộng phải có ý thức phát triển đón đầu, dài hạn, tận dụng lao động nông thôn tại chỗ sau khi được đào tạo. Vùng này phát triển theo hướng thông minh sẽ tạo thế cân bằng trong phát triển toàn Hà Nội. Tất nhiên chưa cần công nghệ quá thông minh như Singapore, mà phải chuyển đổi linh hoạt phù hợp điều kiện Việt Nam.
Sự phát triển của Hà Nội mở rộng hiện bị động, phụ thuộc chủ yếu vào vùng lõi. Cách tiếp cận đề cập ở trên có thể sẽ chủ động hơn, ít nhất trong kiến trúc quy hoạch, góp phần giải quyết bài toán kinh tế xã hội.
Anh từng đánh giá Hội An là một đô thị “ngạc nhiên bền vững” mà chúng ta thừa hưởng từ quá khứ. Vậy theo anh việc quy hoạch vùng di sản này cần đảm bảo yếu tố gì?
Cần xác định chính xác bản sắc của Hội An. Phát triển thuần túy kinh tế dễ dãi thì Hội An lúc đấy là cái gì khác, không phải Hội An nữa. Tôi hiểu Hội An từ trước đến nay “biết dừng, biết đủ”, nhỏ nhắn, tinh tế, từ kiến trúc, món ăn, ứng xử của người Hội An đều rất vừa, không ăn to nói lớn, không thiên về số lượng, khối lượng, phô trương ầm ĩ.
Hai-ba năm gần đây bắt đầu thấy nhiều chuyện xảy ra, những show trình diễn hoành tráng, sự nóng lên của bất động sản. Dường như bao hàm trong đó sự thiếu kiềm chế, có phần sốt ruột của Hội An. Nhiều cư dân giàu có các nơi khác đổ xô về Hội An mua đất đầu cơ, kinh doanh. Kinh tế thị trường thôi, chả cấm được. Nhưng lâu dài, khi Hội An mất cái riêng biệt, tinh tế thì những khoản đầu tư kia cũng khó giữ giá lắm. Không thể cứ thô bạo bào thiên nhiên tươi đẹp, bào di sản ra ăn mãi được.
Về vật chất, tất nhiên vẫn tiếp tục phát triển đường sá, nhà cửa nhưng cần tiếp biến bản sắc vốn có. Không phải nhân bản một cách hình thức mà phải cố gắng tìm mã gen ADN cốt lõi bản địa chứ không thể bê nơi khác về. Đồng thời phải lường trước sự gia tăng về tinh thần từ việc phát triển những hình thái vật chất đấy. Và đến một lúc nào thì biết dừng. Hội An không thể phình to mãi, cần khung giới hạn điều tiết phát triển.
Hội An và vùng phụ cận cũng có thể coi là một di sản thiên nhiên- cần được ứng xử như thế nào theo anh?
Cũng như Hà Nội, ngoại vi là vùng đệm rất quan trọng để Hội An phát triển cân bằng. Vùng sông nước như Cẩm Thanh- lá phổi của Hội An, hay vùng trồng rau Trà Quế phải được kiểm soát tốt. Phát triển đô thị không thể trùm lấp những vùng này mà cần sự giãn cách.
Phải có bản quy hoạch điều tiết vùng lõi, vùng biên…, then chốt là kiểm soát được sự phát triển để tăng giá trị của Hội An lên. Ví dụ cần giữ lại bao nhiêu km bán kính tính từ diện tích rừng dừa nước hiện có để bảo tồn và phát triển hệ sinh thái này…
Thậm chí phải đào thêm kênh rạch. Hội An là văn hóa của cồn và bầu (vùng trũng chứa nước), giờ đô thị hóa tràn lan, xây thủy điện, phát triển nóng như thế có phá hủy cồn và bầu không?! Khi có cồn và bầu mới tồn tại hệ thực vật như thế, dòng chảy mới sinh ra hệ sinh thái như thế. Triết lý “Kiến trúc hạnh phúc” của tôi lúc đầu chỉ đề cập đến con người, còn thiếu vai trò hệ sinh vật.
Nếu những đô thị mới xóa sổ hệ sinh thái thì hỏng. Chính nó là gốc rễ của bản sắc. Trước đây, vì mình “đói” quá nên chỉ bàn đến con người đã hết hơi rồi. Những vùng phát triển như Bắc Âu, Nhật… họ tính đến động thực vật từ lâu.
“KTS hạnh phúc là người dấn thân, nêu gương, làm ra những công trình ngạc nhiên bền vững, phát triển tiếp nối di sản truyền thống. Người sử dụng kiến trúc này đương nhiên hạnh phúc vì sống và làm việc trong đó họ được là chính mình, với đầy đủ quá khứ, hiện tại, tương lai, từ đấy gợi cảm hứng, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tương tác với môi trường, đồng loại - bây giờ thêm cả với hệ sinh vật nữa. Thế giới văn minh rồi, trong “người sử dụng” bao gồm cả sinh vật”. KTS HOÀNG THÚC HÀO