Đề xuất 'nới' thời gian lao động mất việc nhận hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ đồng

Đề xuất 'nới' thời gian lao động mất việc nhận hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ đồng
TPO - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp khó do dịch COVID-19 dễ dàng hơn khi vay vốn để trả lương cho người lao động.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, mặc dù thời gian qua đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều do các điều kiện đưa ra quá khắt khe. Đến thời điểm này, rất ít doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ.

Ông Đỗ Anh Tuấn, đại diện Tổng công ty du lịch Hà Nội (Hanoitourist) cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động trầm trọng tới doanh nghiệp ngành du lịch. Với Hanoitourist, kết quả sản xuất 2 quý đầu năm chỉ đạt 93 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch năm. Lượng khách lưu trú giảm 39% trong khi công suất phòng giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số khách sạn liên kết như khách sạn Metropole doanh thu trước đây là 3 tỷ mỗi ngày, nay chỉ còn 20-30 triệu đồng/ngày. Điều này khiến doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí. “Mặc dù đã phải cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, đồng thời ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng tình hình kinh doanh vẫn gặp rất nhiều khó khănông Anh Tuấn chia sẻ.

Đề xuất 'nới' thời gian lao động mất việc nhận hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ đồng ảnh 1 Ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề khiến không ít lao động trong ngành đang phải chuyển nghề

Bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc SaiGontourist cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội doanh nghiệp vẫn đang cố gắng giữ nguồn lực, chưa cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, những dấu hiệu để phục hồi du lịch chưa khởi sắc.

Ngoài du lịch nội địa, du lịch quốc tế và đưa người Việt Nam ra nước ngoài chưa được mở cửa. Trong khi đó, đây là nguồn chiếm tỷ trọng cao. Bên cạnh đó, đến hết tháng 6, nguồn tích luỹ của doanh nghiệp đã dần cạn. Do đó, doanh nghiệp đang rà soát lao động để có biện pháp mới trong những tháng tiếp theo.

Để tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động, Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH nghị mở rộng quy định về thời gian bị mất việc làm của người lao động để nhận hỗ trợ. Cụ thể, sửa đổi Khoản 1 Điều 1 của Chương I “người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương” của Quyết định 15 từ ngày 23/1 đến hết 30/6 thay vì ngày 1/4 đến hết ngày 30/6.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị bổ sung vào Khoản 2 Điều 13 của Chương VI “hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động” nội dung “doanh thu quý 1/2020 giảm từ 20-30% trở lên so với quý 4/2019” thay vì “không có doanh thu” như trước.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tới thời điểm này, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít, đặc biệt chưa có hồ sơ doanh nghiệp nào đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động được thực hiện tại hệ thống ngân hàng chính sách.

7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc do dịch COVID-19

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tính đến tháng 6, cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỉ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17,6 triệu người, 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc.

Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1,4 triệu người. Trong khi đó, kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp (ước tính giải quyết việc làm cho 540 nghìn lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước). Đồng thời, một loạt các thị trường lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc...bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên phải ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam, nhiều đơn hàng tuyển dụng, đơn xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong 6 tháng đầu năm.

MỚI - NÓNG