Bộ Y tế đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan liên quan về Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, một trong những thay đổi đáng chú ý của dự thảo luật là đưa vào lộ trình tăng mức đóng BHYT, để tới năm 2035 bằng 6% tiền lương tính đóng.
Tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đánh giá, quy định hiện hành về mức đóng BHYT chưa tương xứng với mức hưởng. Chưa có quy định bảo hiểm có nhiều mức đóng.
Từ đó, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi vẫn quy định mức đóng BHYT tối đa bằng 6% tiền lương tính đóng (như luật hiện hành), nhưng kèm theo 3 phương án. Trong đó, có 1 phương án là giữ quy định hiện hành, tức Chính phủ quy định mức đóng theo từng thời kỳ, nhưng tối đa không quá 6% lương tháng tính đóng. Hai phương án còn lại sẽ quy định lộ trình do Chính phủ quy định, nhưng tới năm 2035 mức đóng BHYT sẽ bằng 6% lương tháng tính đóng (tức sẽ kịch trần).
Bộ Y tế đề xuất lộ trình tăng mức đóng BHYT để đạt tỷ lệ 6% lương tháng vào năm 2035. Ảnh minh hoạ. |
Cụ thể, phương án 1 được đề xuất tăng mức đóng BHYT theo lộ trình, hiện là 4,5% tiền lương tháng, từ năm 2025 mức đóng BHYT bằng 5,1% lương tháng; sau đó tăng theo lộ trình để tới năm 2035 bằng 6% lương tháng tính đóng.
Phương án 2, từ năm 2025 mức đóng BHYT bằng 5,4% lương tháng tính đóng; sau đó tăng dần, để tới năm 2035 mức đóng BHYT bằng 6% tiền lương tháng.
Cụ thể, Điều 16 Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định, mức đóng BHYT tối đa bằng 6% lương tháng tính đóng (tuỳ mức lương từng nhóm khác nhau). Chính phủ quy định cụ thể mức đóng, mức hỗ trợ quy định tại điều này và lộ trình để đạt mức đóng 6% vào năm 2035; trên cơ sở bảo đảm cân đối quỹ và yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT.
Với nhóm tham gia BHYT hộ gia đình, điều chỉnh duy nhất là mức giảm sẽ tính tới người thứ 4 trở đi, thay vì tới người thứ 5 trở đi (bỏ mức giảm 50% tiền đóng so với người thứ nhất). Cụ thể, người tham gia BHYT hộ gia đình người thứ nhất đóng bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ 2 và 3 đóng lần lượt bằng 80% và 70% của người thứ nhất; từ người thứ 4 trở đi đóng bằng 60% của người thứ nhất (tức tăng mức đóng 10% với người tham gia BHYT hộ gia đình so với hiện nay).
Sửa đổi trên, theo Bộ Y tế, nhằm bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp khả năng chi trả của quỹ BHYT; Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng quỹ BHYT….
Hiện, mức đóng BHYT theo Luật BHYT năm 2008 quy định tối đa vẫn là 6% tiền lương tháng, nhưng thực tế áp dụng theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, với mức đóng BHYT chỉ bằng 4,5% tiền lương tháng. Cụ thể, trong khu vực doanh nghiệp, người lao động đóng BHYT bằng 1,5% lương tháng, người sử dụng lao động đóng 3%; BHYT hộ gia đình, học sinh, sinh viên… bằng 4,5% lương cơ sở (riêng BHYT hộ gia đình tính đóng giảm dần cho những người tham gia tiếp theo).
Đánh giá chung về kết quả thực hiện Luật BHYT năm 2008, Bộ Y tế cho rằng, luật đã tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân; mang lại nhiều cơ hội cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế công bằng, hiệu quả và có chất lượng; giúp người dân tránh được bẫy đói nghèo khi được bảo hiểm về sức khỏe.
Tuy nhiên, cơ quan xây dựng luật cũng đánh giá, luật hiện hành có một số bất cập, như: Thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, như so với Luật Khám chữa bệnh quy định về tuyến kỹ thuật, cấp chuyên môn; so với Luật Dược; so Luật Đấu thầu liên quan đến giá thanh toán chi phí mua thuốc…
Sự bất cập của luật hiện hành còn thể hiện ở phạm vi được hưởng của BHYT, như việc chẩn đoán một số bệnh từ sớm; phạm vi hưởng BHYT khi vượt tuyến; quy định về thông tuyến, chuyển tuyến cần sửa đổi để đảm bảo quản lý quỹ và thanh toán chi phí phù hợp.
Luật hiện hành cũng chưa có biện pháp quản lý, chế tài kiểm soát người đi khám chữa bệnh BHYT nhiều lần ở nhiều nơi; còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết dịch vụ y tế; thiếu các quy định nhằm tạo cơ chế cho việc bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT…