Đề xuất lấy nước sông Hồng cứu sông Tô Lịch

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang dần hoàn thiện Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang dần hoàn thiện Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
TP - Cùng với việc đảm bảo tiến độ Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá – nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đang được cơ quan chức năng đề xuất để cứu dòng sông này.

Ghi nhận tại Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá những ngày đầu tiên của năm 2021, các hạng mục quan trọng như trạm bơm nước thải đầu vào, hệ thống xử lý bùn, bể phản ứng, bể lắng đều đang được thi công bảo đảm tiến độ. Nhân công, máy móc được huy động tối đa trên công trường. 

Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gồm Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, tuyến phân lũ sông Lừ - Sét và các khu đô thị mới ở quận Hà Đông với diện tích khoảng 4.874 ha.
Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản, với tổng mức đầu tư hơn 61 tỷ Yên, tương đương hơn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA chiếm 85%, còn lại là vốn đối ứng của thành phố.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội (BQLDA), từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, dự án đã bắt đầu triển khai trên thực địa đối với gói thầu số 1 (Gói xây dựng nhà máy). Đến nay, tất cả các hạng mục đều đã được triển khai, trong đó, có những hạng mục đã hoàn thành đến 80%. 

Với 3 gói thầu thu gom nước thải, công tác triển khai đang được thực hiện đối với phần đào mở. Riêng gói thầu số 2 và số 4, dự kiến tháng 4/2021 sẽ bắt đầu thực hiện khoan kích ngầm, đặt các loại cống thực hiện dẫn nước thải về nhà máy.

Bổ cập nước sông Tô Lịch theo phương án mới

  Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQLDA cho biết, ngoài việc bảo đảm đúng tiến độ xây dựng dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu thành phố xem xét phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch. 

Trên cơ sở quy hoạch cấp nước, thoát nước của thành phố, BQLDA đã đề xuất phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc. Hiện, trên tuyến này, một số tuyến cống đã được xây dựng theo các quy hoạch chuyên ngành. Nếu được thành phố phê duyệt thì phương án này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, như hợp quy hoạch và giảm đi một dự án. 

Trước đó, trong nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch, Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất phương án dẫn nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch thông qua Hồ Tây. Theo đó, để bổ cập nước vào Hồ Tây, đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông Hồng, đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây; lọc nước qua bể lắng trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Nước Hồ Tây xả qua các cửa điều tiết A và B để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. 

Đánh giá về phương án này, ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng: “Giải pháp bổ cập nước hồ Tây và thông qua hồ Tây tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch được chuyên gia Liên Xô đề cập lần đầu tiên 1981, trong đồ án quy hoạch tổng thể phát triển Hà Nội. Tuy vậy, phương án này không mới so với 40 năm trước đây và gây tốn kém”. 

MỚI - NÓNG