Ngày 25/12, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - chủ trì họp với các sở ngành và đơn vị tư vấn liên quan dự thảo nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khai thác bến cảng Trần Đề trong tương lai. Cảng biển này được kỳ vọng sẽ gỡ điểm nghẽn xuất khẩu cho nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vốn có hơn 70% lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu phải qua vùng Đông Nam Bộ).
Phối cảnh cảng biển Trần Đề tương lai. |
Để thu hút nhà đầu tư vào cảng Trần Đề, đại diện đơn vị tư vấn thuộc Bộ Giao thông vận tải đề xuất tỉnh Sóc Trăng lên phương án trình Trung ương thành lập Khu thương mại tự do Trần Đề gắn với cảng biển tương lai.
Khu thương mại tự do nằm trong Khu kinh tế ven biển Trần Đề (Sóc Trăng). Quy mô Khu thương tự do Trần Đề rộng 40.000 ha, được thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ủng hộ ý tưởng lập Khu thương mại tự do Trần Đề, nhưng cho rằng quy mô chỉ 40.000 ha là quá nhỏ, cần nghiên cứu mở rộng thêm nhiều lần, vì không khéo sau này sẽ trở thành điểm nghẽn, quá tải.
Theo ông Lâu, việc nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khai thác bến cảng Trần Đề là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thu hút nhà đầu tư cũng như đảm bảo khai thác hiệu quả bến cảng, góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Do đó, đơn vị tư vấn cần xác định lại lộ trình, quy trình và tiếp thu ý kiến góp ý của các sở ngành có liên quan trước khi hoàn thiện đề án.
Cầu vượt biển ra cảng Trần Đề dự kiến dài 18 km. |
Để định hướng đầu tư cảng nước sâu Trần Đề trong tương lai, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao tính hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề. Điển hình với xây dựng dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để kết nối với bến cảng Trần Đề, hội thảo về đầu tư bến cảng Trần Đề… nhằm nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng hình thành cảng biển cửa ngõ của vùng.
Đối với đề án đầu tư bến cảng Trần Đề, đơn vị tư vấn đưa ra tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn hoàn thành cảng gần 154.000 tỷ đồng, với phương án cát được khai thác tại mỏ. Với phương án giá cát mua theo thị trường, tổng mức đầu tư của cảng có thể lên đến trên 186.300 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư lớn như trên, cảng biển Trần Đề khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT, công suất thiết kế từ 80 - 100 triệu tấn/năm.