Chiều nay, 31/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Tất Thành Cang cùng lãnh đạo các sở ban ngành chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học đã làm việc với EPT để xem xét đề án chống ngập TPHCM.
Ông Nguyễn Công Anh, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc EBT đề xuất thực hiện các giải pháp “mềm”, giảm thiểu tác động đến môi trường, sinh thái.
Thay vì xây cống tại các cửa sông Lòng Tàu, Soài Rạp để hạ thấp mực nước triều trên sông, EPT đề nghị làm một kè mềm có hình dạng như hai cánh cửa tự động khép mở trên sông, vừa hạ thấp được mực nước triều, vừa đảm bảo giao thông thuỷ luôn thông suốt với khẩu độ mở của kè là từ 50 -100 m.
Ngoài ra, giải pháp này còn góp phần giảm thiểu tình trạng xâm nhập mặn và điều tiết lũ khi thượng nguồn các sông có mưa lớn. Theo ông Nguyễn Công Anh, TPHCM là đại đô thị với 65% địa hình xấp xỉ mực nước triều.
Trong tương lai, TPHCM phát triển về hướng biển nên cần phải chấp nhận sống chung và thân thiện với nước. Tại những khu vực thấp trủng, TPHCM cần làm các khu đô thị nổi. Trước mắt, cần làm hồ sinh học, điều tiết tại huyện Cần Giờ. Mô hình này đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công tại ĐBSCL.
Theo phó bí thư thường trực thành uỷ Tất Thành Cang, Cần Giờ có rừng phòng hộ, khu dự trữ sinh quyển thế giới, là khu vực nhạy cảm nên muốn làm hồ điều tiết, cần nghiên cứu rất kỹ.
“Các giải pháp chống ngập cần đồng bộ và cần đặt trong vùng TPHCM gồm các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… Đây là giải pháp có tính khả thi nhưng cần triển khai thí điểm ở một nhánh, chi lưu cụ thể giải quyết chống ngập lưu vực hẹp hơn để đánh giá hiệu quả” – ông Cang nói.
Trước đó, TPHCM dự kiến làm hồ điều tiết Khánh Hội (quận 4), Bàu Cát (quận Tân Bình), Tam Bình (quận Thủ Đức) nhưng mới đây, UBND quận Tân Bình đã có văn bản phản đối làm hồ điều tiết Bàu Cát vì cho rằng không cần thiết và quá lãng phí.