Đề xuất kiểm toán việc ký kết hợp đồng EPC có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những vướng mắc, bất cập cũng như việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án EPC.
Đề xuất kiểm toán việc ký kết hợp đồng EPC có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí ảnh 1

Lãnh đạo KTNN chủ trì hội thảo. Ảnh PV

Minh bạch, công khai khi xét duyệt tổng thầu EPC

Sáng 2/11, Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC (nhà thầu thực hiện thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị, thi công xây dựng).

Theo Phó Tổng Kiểm toán Hà Thị Mỹ Dung, hiện nay, EPC đã được thực hiện tại nhiều dự án, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể, hoặc chồng chéo.

Đáng lưu ý, nhiều dự án theo hình thức hợp đồng EPC không đảm bảo tiến độ, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không hoàn thành dự án, không thanh quyết toán được hợp đồng.

“Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này”, bà Dung nói, đồng thời nhấn mạnh, hội thảo này nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào việc kiểm toán các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, do số lượng tổng thầu EPC có năng lực, uy tín và kinh nghiệm chưa nhiều nên việc lựa chọn nhà thầu còn rất hạn chế, hầu hết đều là chỉ định thầu. Việc sử dụng tổng thầu EPC nước ngoài khiến một phần nguồn lực quốc gia, đặc biệt là nguồn lực NSNN “chảy ra” nước ngoài, chưa kể sự phức tạp về pháp lý, thậm chí ngoại giao khi xảy ra tranh chấp hợp đồng EPC. Do vậy, ông Ánh cho rằng, phải tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu trong nước.

Cũng theo vị chuyên gia này, vấn đề năng lực của tổng thầu sẽ quyết định thành công hay thất bại thực hiện hợp đồng EPC.

“Chính vì vậy, quản lý hồ sơ mời thầu và quá trình xét duyệt năng lực tổng thầu EPC trước khi ký hợp đồng EPC cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch, khách quan và trung thực”, ông Ánh lưu ý.

Cần đánh giá cơ cấu nguồn vốn

Đề cập đến thực trạng kiểm toán dạng hợp đồng này, Phó Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V Lê Văn Duẩn cho biết, các hợp đồng EPC chủ yếu được sử dụng cho các công trình công nghiệp tại Việt Nam. Đáng lưu ý, hầu hết các hợp đồng EPC tại Việt Nam được đàm phán và ký kết trên cơ sở hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư. Trong khi đó, hai nội dung này chỉ là khái toán và có độ chính xác không cao.

Do đó, quá trình thực hiện hợp đồng thường nảy sinh nhiều tranh cãi về phát sinh hợp đồng liên quan đến việc viện dẫn các giải pháp thiết kế và tính toán nêu trong hồ sơ mời thầu vốn có độ chính xác không cao, tiến độ thực hiện hợp đồng vì thế cũng thường phải điều chỉnh.

Ông Lê Văn Duẩn lưu ý đến việc đánh giá tuân thủ trong việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Bởi tổng mức đầu tư dự án lần đầu được lập, thẩm định, phê duyệt từ hồ sơ thiết kế cơ sở và đơn giá vật tư,vật liệu, thiết bị tại thời điểm còn chưa phù hợp, thiếu chính xác dẫn đến phải điều chỉnh giá trị nhiều lần; nhà nước thay đổi chính sách tiền lương, trượt giá vật tư, vật liệu; thay đổi chính sách thuế VAT thiết bị nhập khẩu; do thay đổi tỷ giá phần vốn vay bằng ngoại tệ...

“Việc tăng tổng mức đầu tư do những nguyên nhân nêu trên vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn theo tổng mức đầu tư ban đầu, dẫn đến phải bổ sung nguồn bằng cách vay các ngân hàng thương mại với lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay”, ông Duẩn cho hay.

Đáng lưu ý khác, theo Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V, cần đánh giá cơ cấu nguồn vốn và thu xếp vốn theo quyết định đầu tư được duyệt. Trong đó, cần đánh giá cơ cấu nguồn vốn có đảm bảo theo quy định tại quyết định phê duyệt dự án hay không, có làm phát sinh các khoản vay nước ngoài do không đảm bảo cơ cấu tỷ lệ nguồn vốn hay không.

Để nâng cao hiệu quả kiểm toán với hợp đồng EPC, đại diện tỉnh Nghệ An đề xuất: Kiểm toán tính hợp lý, phù hợp trong việc áp dụng hình thức hợp đồng này so với các loại hợp đồng khác; kiểm toán quá trình thương thảo, hoàn thiện, ký kết hợp đồng để phát hiện một số điều khoản ký kết chưa tuân thủ quy định; kiểm toán công tác quản lý tiến độ, xác định nguyên nhân, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, các khoản chi phí phát sinh do chậm tiến độ từng gói thầu...

MỚI - NÓNG