>> Video clip: Hoàn thành hút bùn Hồ Hoàn Kiếm
66 khối bùn đã được hút lên từ Hồ Gươm - Ảnh: MH |
Ngày 1-12, TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Công tác hút bùn thử nghiệm đến hôm nay đã thành công tốt đẹp.
Trong 10 ngày, các chuyên gia Đức đã quây lưới làm trên diện tích 600 m2. Hút được 600 khối bùn nước, ép được 66 khối bùn bánh. Máy hút bùn chạy rất êm. Nước không đục ở phần hút. Hệ sinh vật, chỉ tiêu hóa lý như ô xi hòa tan cũng không thay đổi.
Sau khi nạo vét, mực nước hồ đã bị giảm đi khoảng 10 cm và sẽ được bổ sung bằng nước máy trong thời gian tới để các sinh vật phát triển bình thường... Công nghệ này có thể đảm bảo tiến hành hút toàn hồ.
Còn vấn đề nào cần phải xem xét lại không, thưa ông?
Nước ép bùn có amoni cao nên chưa thể trả lại cho hồ. Chúng tôi đang yêu cầu phía Đức nghiên cứu giảm amoni trong nước ép bùn để có thể trả lại hồ.
Nhưng đó không phải vấn đề lớn. Vấn đề là tảo độc trong bùn gấp 20 lần trong nước. Do đó hút được bùn đi thì cũng giảm được tảo độc, tạo điều kiện cho các sinh vật trong hồ phát triển.
Vậy bao giờ có thể tiến hành hút bùn toàn Hồ Gươm?
Chúng tôi đã gửi báo cáo lên UBND thành phố xin được nạo vét toàn bộ Hồ Gươm. Qua kết quả vừa rồi chúng tôi đang đề xuất với thành phố cho triển khai nhanh chứ không để tới năm. Tính ra phải làm trên diện tích gấp 100 lần lúc thử nghiệm.
Hiện nay hệ thống bơm làm việc có hai tiếng rưỡi trong khi máy ép làm việc từ 9 - 10 tiếng/ngày. Sau này nếu cứ để mô hình như vậy thì mất 1.000 ngày. Nhưng nếu tổ chức lại, làm ba ca, tăng công suất máy hút bùn thì đảm bảo thời gian không mất nhiều.
Chúng tôi đã họp với các đơn vị liên quan, các thành viên ban quản lý dự án để chuẩn bị cho công tác nạo vét toàn hồ. Hiện chỉ chờ ý kiến của thành phố.
Làm thế nào để xác định sẽ hút lượng bùn bao nhiêu dưới đáy hồ?
Chúng tôi tiến hành xem xét tầng đáy hồ bằng địa vật lý, khoan. Sau đó dựng hình ảnh 3D về độ nông, sâu của bùn, tầng sét… Bản đồ địa hình đáy bùn chỉ rõ chỗ nào cần hút với độ sâu bao nhiêu.
Máy hút thừa sức hút ở độ sâu lớn nhưng theo bản đồ, phải thực hiện đúng từng địa điểm khác nhau thì hút ở các độ sâu khác nhau, từ 1,2 m - 1,8 m. Hút sâu quá có thể ảnh hưởng đến địa tầng của hồ.
Kết thúc 10 ngày thử nghiệm hút bùn, số thiết bị này sẽ được chuyển về Đức hay nằm lại để chờ hút bùn toàn hồ?
Chúng tôi sẽ mua lại toàn bộ thiết bị của Đức. Theo báo giá của Đức, giá thiết bị khoảng gần 300.000 Euro. Có thể mua thêm một máy ép bùn để tương đồng với công suất máy bơm. Nhưng phải chờ vì mất thời gian từ khi đặt hàng đến khi chuyển sang.
Trước mắt ta vẫn giữ nguyên mô hình này. Tôi cũng đề xuất phía Đức cử chuyên gia ở đây giúp mình tiếp nhận công nghệ. Về phía Việt Nam, chúng tôi đã có danh sách đội ngũ cán bộ. Sẽ mời thêm một số trung tâm có kinh nghiệm để làm chủ vấn đề hóa chất phụ gia, keo tụ. Theo kế hoạch sẽ đào tạo sớm.
Cảm ơn ông!
Mỹ Hằng
Thực hiện