Tại hội thảo bảo tồn, phát huy giá trị Hồ Tây sáng 2/10, TS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, cho rằng, Hồ Tây là khu vực đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa. Nhiều đền chùa còn được bảo tồn đến ngày nay như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đình Quảng Bá, chùa Tảo Sách... Điều đó cho thấy, khu vực này xứng đáng được xem xét là danh thắng quốc gia. Nếu được đầu tư xây dựng và quản lý tốt thì Hồ Tây sẽ là điểm đến hấp dẫn của người dân thủ đô và bạn bè quốc tế.
Đồng quan điểm, nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Hoàng Văn Nghiêm, cho hay các quy hoạch Hà Nội từ trước đến nay, ý tưởng đưa sông Hồng, Hồ Tây vào giữa thành phố đã được xuyên suốt, nếu chậm bảo tồn thì Hồ Tây sẽ cạn kiệt.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng Hà Nội ấn tượng với du khách không chỉ là "ba sáu phố phường" mà còn là cây xanh, mặt nước. Hồ Tây là danh thắng quý song người dân và du khách không biết mà chỉ thường nói đến hồ Hoàn Kiếm.
Nêu ví dụ, người Trung Quốc có Hồ Tây ở thành phố Hàng Châu đã được công nhận là danh thắng văn hóa thế giới, mang lại doanh thu trên một tỷ nhân dân tệ cho ngành du lịch, ông Liêm cho rằng Hà Nội cần phấn đấu để Hồ Tây không chỉ là danh thắng quốc gia mà còn là danh thắng thế giới.
Xung quanh Hồ Tây có nhiều công trình lịch sử, văn hóa có giá trị. Ảnh: Xuân Hoa/ VnExpress
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cũng cho rằng, thành phố mới quản lý hiện trạng chứ chưa quản lý phát triển, có quy hoạch song chưa có dự án. Do đó, cần lập dự án phát triển Hồ Tây thành danh thắng quốc gia, có quy hoạch và chương trình hành động, danh mục giá trị vật thể và phi vật thể...
Nhất trí với ý kiến các nhà khoa học, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa cho biết, Sở đồng thuận cao với đề xuất xây dựng hồ sơ đưa Hồ Tây là danh thắng quốc gia và trình cấp có thẩm quyền xem xét để có điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị danh thắng này tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Trương Minh Tiến e ngại, cái khó nhất sau khi xếp hạng danh thắng, khu vực một sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực 2 của Hồ Tây sẽ được xây dựng các công trình nhằm tôn tạo, phát huy giá trị. Song đời sống dân sinh vẫn diễn ra hàng ngày nên khu danh thắng này sẽ phải quản lý như mô hình một di sản sống.
Theo ông Trương Minh Tiến, từ các vụ việc làng cổ Đường Lâm, các cơ quan quản lý sẽ rút kinh nghiệm để áp dụng với di tích khác, đặt ra phương hướng khoanh vùng bảo vệ. Nếu phạm vi hợp lý và lấy ý kiến rộng rãi thì sẽ được người dân ủng hộ.
Ông Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, cũng cho rằng, làng cổ Đường Lâm thuộc khu vực xa trung tâm thành phố, còn Hồ Tây ở trung tâm nên hy vọng ý thức của người dân sẽ tốt hơn để giữ danh hiệu.
"Tôi tin tưởng người dân đồng tình vì danh hiệu sẽ đưa bảo tồn và phát triển Hồ Tây văn minh hơn, hiện đại hơn, mang lại lợi ích thiết thực. Nên để người dân cùng góp ý kiến và đầu tư cho danh thắng này", ông Vũ Hoan nói.
Theo Đoàn Loan