> Quốc hội thảo luận hoạt động giám sát năm 2012
Không giám sát sẽ có lỗi với cử tri
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, đây là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, bởi mức độ nghiêm trọng của hậu quả đã xảy ra, là mối đe dọa đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của mỗi thành viên trong xã hội. Tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông làm xấu đi hình ảnh của nước ta trong con mắt bạn bè quốc tế.
Theo bà Nga, để kiềm chế và loại bỏ tai nạn, ùn tắc giao thông thì phải có nhiều giải pháp, chính sách trong đó có những nội dung nằm ngoài thẩm quyền của Chính phủ. Có những vấn đề cần sự đồng thuận mạnh mẽ của người dân thông qua những quyết định của QH với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Ví như, thiếu trầm trọng ngân sách cho đầu tư hạ tầng giao thông, QH cần phải bàn kỹ để cân đối từ một số khoản khác hoặc phân bổ thêm số vượt thu cho nhiệm vụ này. Một số quy định trong các luật giao thông bất hợp lý hoặc chồng chéo cần phải được QH xử lý…
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đồng tình và cho biết, cử tri ở tất cả các địa phương đều nói rằng đây là vấn đề đang thực sự nóng bỏng. “Nóng như thế mà QH không làm, không giám sát để đưa ra những quyết sách nhằm tạo ra đột biến của tình hình chấp hành an toàn giao thông, TNGT thì QH sẽ có lỗi với nhân dân, cử tri”- Ông Sơn nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nhận định, TNGT đã trong tình trạng khẩn cấp. “Khẩn cấp mà không giám sát thì không được”- Ông Đương nói. Theo đại biểu này, cần giám sát an toàn giao thông đường bộ, tập trung vào một số nội dung như vấn đề TNGT, xử lý vi phạm hành chính và chủ quan của người tham gia giao thông, đào tạo, cấp bằng lái xe…
ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) thì cho rằng, cần giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về phát triển cơ sở hạ tầng. Bởi, chỉ làm mỗi phần ngọn là ùn tắc và an toàn, mà không giải quyết phần gốc, phần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thì không ổn.
Cần mở rộng sự tham gia của cử tri và báo chí
ĐB Lê Thị Nga kiến nghị, mở rộng sự tham gia của cử tri và báo chí trong hoạt động giám sát của QH. Bởi, bản chất sức mạnh của QH chính là sức mạnh của cử tri. Báo chí, truyền thông có tác động mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả, tạo thêm sức mạnh cho hoạt động giám sát của QH qua việc phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp.
ĐB Lê Thị Nga đề xuất, mở rộng quyền tiếp cận thông tin của báo chí đối với hoạt động của QH. “Vừa qua chúng ta đã đóng dấu mật vào những báo cáo mà không có nội dung mật làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí và cử tri.
Ví như, những hoạt động tư pháp, điều tra, truy tố xét xử, thi hành án đều được tiến hành công khai theo các qui định của Luật Tố tụng. Nhưng khi báo cáo về kết quả hoạt động thì đều được các cơ quan đóng dấu mật. Dẫn đến, Báo cáo thẩm tra cũng phải đóng dấu mật theo.
Trong khi đó, các đánh giá và số liệu trong báo cáo này không có nội dung mật, vì số án tử hình, án tù ngoài xã hội, số đặc xá hàng năm đã được công bố rộng rãi rồi”- Bà Nga nói. Đại biểu này đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Bộ trưởng Tư pháp xem xét lại vấn đề này để điều chỉnh.