Đề xuất giải pháp mới ứng phó với lũ quét, sạt lở đất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong bối cảnh sạt lở đất và lũ quét là hai loại hình thiên tai nguy hiểm nhất, gây thương vong lớn nhất ở nước ta, ông Văn Phú Chính, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn) đề xuất giải pháp nâng cao khả năng nhận biết lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực từ lượng mưa quan trắc.

Thưa ông, mới đây ông có đề xuất giải pháp nâng cao khả năng nhận biết lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực sau khi miền Bắc nước ta gánh chịu hậu quả kinh hoàng do lũ quét, sạt lở đất từ cơn bão Yagi, ông có thể chia sẻ rõ hơn giải pháp này?

Như chúng ta đã biết, lũ quét và sạt lở đất do mưa lớn là loại hình thiên tai khó dự báo nhất, để lại hậu quả thương tâm như câu chuyện xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai tháng 9 vừa qua.

Hiện nay, các giải pháp ứng phó với lũ quét, sạt lở đất chủ yếu là các giải pháp phi công trình, trong đó các biện pháp phòng tránh và cảnh báo sớm luôn là giải pháp ứng phó hiệu quả và ngày càng có vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tính bất định của thiên tai ngày càng gia tăng.

Đề xuất giải pháp mới ứng phó với lũ quét, sạt lở đất ảnh 1

Ông Văn Phú Chính, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai. Ảnh: Mạnh Thắng.

Trên thế giới đã có rất nhiều giải pháp, công nghệ cảnh báo sạt lở đất, lũ quét như xây dựng hệ thống các cảm biến để giám sát độ dịch chuyển của các khối trượt tại các khu vực nguy cơ cao về sạt lở, thiết lập các hệ thống radar thời tiết, kết nối vệ tinh...để phân tích, cảnh báo mưa lớn và sạt lở đất. Tuy nhiên các giải pháp công nghệ này vừa đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, yêu cầu cao về khả năng vận hành, bảo trì nên không phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta hiện nay.

Qua các vụ sạt lở đất, lũ quét gần đây cho thấy, mặc dầu có nhiều nguyên nhân tác động nhưng tác động từ mưa lớn (cả về cường suất và lượng mưa) vẫn là nguyên nhân trực tiếp, do đó cần có giải pháp cảnh báo dựa trên lượng mưa thực đo và lượng mưa dự báo.

Để thực hiện cảnh báo, chúng ta cần xác định được ngưỡng cảnh báo và giải pháp cảnh báo. Về ngưỡng cảnh báo, sau trận lũ quét, sạt lở đất tại Làng Nủ, một số nhà khoa học đã nghiên cứu và đề xuất ngưỡng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cần xem xét là lượng mưa giờ lớn hơn 40mm và lượng mưa tích lũy lớn hơn 250mm. Trạm đo mưa thời gian thực Vrain cũng ghi nhận, lượng mưa tích luỹ ở khu vực Làng Nủ trong hai ngày trước khi xảy ra thảm hoạ là 57,4 mm/h và 487mm/48h.

Về giải pháp cảnh báo mưa lớn, cần thiết lập hệ thống đo mưa theo thời gian thực ở những khu vực có nguy cơ cao (theo bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, sạt lở đất hiện có hoặc qua theo dõi, khảo sát thực tế của địa phương). Khi lượng mưa đạt đến ngưỡng nguy hiểm, cần huy động các giải pháp truyền tin nhanh nhất đến cơ quan chức năng và người dân. Ví dụ hiện nay trên ứng dụng Vrain (một ứng dụng cung cấp lượng mưa trên toàn quốc theo thời gian thực-PV), người dùng có thể xem lượng mưa tại các trạm đo mưa theo thời gian thực đồng thời nhận tin nhắn cảnh báo mưa lớn vượt ngưỡng. Hệ thống này cũng triển khai thông tin cảnh báo qua nền tảng Zalo ZNS (Zalo Notification Service) đến cơ quan phòng chống thiên tai các tỉnh, thành và các lãnh đạo xã nơi có đặt trạm đo mưa Vrain.

Tuy nhiên thực tế, qua các trận mưa lũ lớn, không phải lúc nào người dân cũng có thể nhận và đọc tin nhắn cảnh báo qua điện thoại (do không chú ý hoặc mất mạng viễn thông), do vậy cảnh báo qua loa phóng thanh hoặc còi hú là phương thức cảnh báo hữu hiệu nhất. Tại khu vực được xác định là vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất bên cạnh lắp đặt trạm đo mưa tự động, có thể lắp đặt trạm phát thanh cảnh báo tự động. Hai trạm này có thể kết nối với nhau thông qua giao tiếp không dây 3G/4G/ LoRa. Khi lượng mưa thực đo theo giờ (cường suất mưa) hoặc lượng mưa tích lũy vượt ngưỡng cảnh báo, hệ thống sẽ tự động kích hoạt Trạm phát thanh cảnh báo phát thanh cảnh báo qua Loa phát thanh công suất lớn với lời thoại được cài đặt sẵn (nội dung và chất giọng, ngôn ngữ, ...phụ thuộc từng vùng miền) hoặc còi hú.

Đề xuất giải pháp mới ứng phó với lũ quét, sạt lở đất ảnh 2

Lũ bùn đá tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vào tháng 9/2024 là thảm hoạ lũ quét kinh hoàng nhất tại Việt Nam.

Với giải pháp trên, chúng ta có thể tăng khả năng cảnh báo, nhận biết sớm nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, góp phần giảm thiểu thiệt hại từ loại hình thiên tai nguy hiểm này. Một số nghiên cứu điển hình cho thấy nếu hệ thống cảnh báo sớm thiên tai phát huy hiệu quả thì thiệt hại giảm đi rất nhiều, đặc biệt thiệt hại về người. Hệ thống cảnh báo sớm cung cấp các cảnh báo ngắn hạn với khoảng thời gian đủ để chính quyền, người dân có thể triển khai các hành động ứng phó khẩn cấp phù hợp.

Thưa ông, ngoài giải pháp cảnh báo, dự báo sớm như ông vừa chia sẻ, cần thêm những giải pháp gì để hạn chế thấp nhất hậu quả do lũ quét, sạt lở đất gây ra?

Do điều kiện địa hình, địa chất và khí hậu, trong nhiều năm qua, khu vực miền núi nước ta đã xảy ra nhiều trận lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chính phủ, chính quyền và các cơ quan phòng chống thiên tai đều có chỉ đạo, các phương án để ứng phó với sạt lở đất và lũ quét, một số cơ quan khoa học cũng đã thí điểm các giải pháp cảnh báo sớm. Tuy nhiên có thể nhận thấy là hiệu quả công tác cảnh báo và ứng phó với lũ quét, sạt lở đất chưa đạt như mong đợi, thiệt hại vẫn chưa giảm, nhất là về người. Do vậy, bên cạnh giải pháp cảnh báo mà chúng tôi chia sẻ ở trên, để hạn chế được các rủi ro, thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất còn nhiều nội dung mà chúng ta cần quan tâm.

Ví dụ, cần có sự chỉ đạo ứng phó với lũ quét, sạt lở đất một cách quyết liệt và cụ thể, chi tiết hơn, tương tự như ứng phó với Bão hiện nay từ nội dung, thời lượng phát bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất đến công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó tại cơ sở, công tác truyền thông.

Đề xuất giải pháp mới ứng phó với lũ quét, sạt lở đất ảnh 3

Tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất tại thuỷ điện Rào Trăng của Thừa Thiên Huế trong mùa mưa lũ lịch sử 2020.

Cũng cần nhận thấy, ngoài tác động do mưa lớn, lũ quét còn xảy ra do bị tắc nghẽn dòng chảy, hình thành hồ chứa nước tạm thời trên thượng nguồn. Do vậy cần tiến hành công tác kiểm tra các dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét tại các khu vực thượng nguồn dọc sông suối, các địa bàn dân cư, đường giao thông nơi có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất vào trước mùa mưa lũ. Công tác này cần thực hiện thường xuyên hàng năm và tiến đến thực hiện cơ chế đặt hàng các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện.

Một vấn đề cần quan tâm khác là cảnh báo lũ quét, sạt lở đất được đưa ra, chúng ta có triển khai hoạt động sơ tán dân và khóa đường giao thông hay không? Hiện nay vẫn có tư tưởng là nếu sơ tán dân hay khóa đường mà không xảy ra lũ quét hay sạt lở đất như cảnh báo thì người dân sẽ dần không tin tưởng vào cảnh báo. Kinh nghiệm từ Nhật Bản là chặn đóng đường khi lượng mưa đạt đến mức quy định để tránh làm hỏng ô tô, ngay cả khi không xảy ra sạt lở đất, lũ quét hay đá rơi. Quy định này đã được Cục đường bộ thuộc Bộ Đất đai- Hạ tầng Nhật Bản ( MLIT) thực hiện từ năm 1980 và số lượng đường giao thông bị chặn đóng sẽ giảm dần do đã thực hiện các công trình ứng phó.

Do vậy, tương tự như sơ tán dân, hạn chế giao thông khi Bão đổ bộ, cần nhất quán và quyết liệt thực hiện công tác sơ tán dân, chặn đóng đường giao thông ở các khu vực có cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Điều này cũng như cách làm của Anh Vàng Seo Chừ, trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà đã di tản toàn bộ 17 hộ dân với 115 người lên núi để tránh bị sạt lở đất vùi lấp.

Ngoài ra, để thực hiện cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, cần có dự báo mưa chi tiết và định lượng với độ tin cậy cao. Do vậy, cần tăng dày các trạm đo mưa tự động và lắp đặt bổ sung các trạm radar thời tiết. Ngoài các trạm của Tổng cục khí tượng thủy văn, cần nghiên cứu đề xuất thực hiện xã hội hóa lắp đặt trạm radar thời tiết để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vì hiện nay trên thế giới đã phát triển radar thời tiết loại nhỏ (X- band) với chi phí phù hợp.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Quỹ ngoại liên tục 'xả' cổ phiếu
Quỹ ngoại liên tục 'xả' cổ phiếu
TPO - Nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa bán ra 740.000 cổ phiếu DGC của Công ty CP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang, Vietnam Investment Property Holding Limited thông báo bán 8 triệu cổ phiếu của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam...
Thông tin Chi Pu nhận cát-xê 3 tỷ đồng
Thông tin Chi Pu nhận cát-xê 3 tỷ đồng
TPO - Con số cát-xê Chi Pu nhận được khi tham gia biểu diễn thương mại tại Trung Quốc được lan truyền trên nhiều trang mạng xã hội ở Việt Nam. Khán giả nghi ngờ về tính xác thực vì có nhiều sai sót ở trang web báo giá.