Đề xuất đánh thuế lãi tiết kiệm

Đề xuất đánh thuế lãi tiết kiệm
Thu nhập từ các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên cần được đánh thuế nhằm thúc đẩy dòng vốn từ ngân hàng chảy vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, theo kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA).

Đề xuất đánh thuế lãi tiết kiệm

> Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng?
> Ngân hàng tung chiêu huy động vốn

Thu nhập từ các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên cần được đánh thuế nhằm thúc đẩy dòng vốn từ ngân hàng chảy vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, theo kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA).

Hiệp hội bất động sản TP HCM đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên
Hiệp hội bất động sản TP HCM đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên.

Đề xuất này được HOREA gửi tới Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Chủ tịch HOREA, Lê Hoàng Châu cho biết hiệp hội kiến nghị cần sửa ngay chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương (cao hơn chỉ số lạm phát) và chính sách không đánh thuế trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm.

"Trên thế giới không nước nào có lãi suất tiết kiệm thực dương như Việt Nam", ông nhấn mạnh.

Theo ông Châu, 5 năm trở lại đây tổng số dư tiền gửi tiết kiệm rất lớn, ước tính mỗi năm trung bình 2,5 triệu nghìn tỷ đồng gửi tiết kiệm. Nếu tính trung bình với lãi suất hiện nay 10% một năm thì tiền lãi thu được ước khoảng 250.000 tỷ đồng. Nếu trước đây lãi tiền gửi ở mức 19-20% một năm thì con số này tăng gấp đôi. Vì vậy không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là "vô lý".

Ông Châu phân tích, đây không phải là đề xuất mới mẻ mà thực chất đã từng được đề cập từ 5 năm trước nhưng bị phủ nhận đến 70%. Thời điểm đó lý do bị phản đối vì Nhà nước phải bảo vệ thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm cho người già, hưu trí, người lao động. Tuy nhiên hệ thống ngân hàng đã có con số cụ thể về tiền gửi tiết kiệm dưới 500 triệu đồng chiếm tỷ lệ rất thấp. "Do đó nếu đánh thuế sẽ không ảnh hưởng nhiều và nếu muốn bảo vệ quyền lợi của người về hưu, người lao động thì trừ đối tượng này ra", ông nói.

Khi được hỏi nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm người dân sẽ chuyển sang vàng và đôla, Chủ tịch HOREA giải thích khả năng này "rất thấp". Bởi lẽ trong tổng thể các giải pháp của chính phủ các thị trường vàng và đô la cũng được quản lý chặt hơn. Người dân gửi vàng vào vào ngân hàng phải mất phí trong khi đồng đô la cũng được kiểm soát chặt.

"Việc đánh thuế này chủ yếu nhắm vào đối tượng có thu nhập khá trở lên và cần thiết để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách, khuyến khích đầu tư kinh doanh sản xuất để thúc đẩy nền kinh tế phát triển", ông cho hay.

Nhiều chuyên gia cho rằng kiến nghị trên không khách quan và có chủ đích muốn nắn dòng tiền chảy vào bất động sản.

Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Mở TP HCM, Nguyễn Văn Thuận phân tích: "Nếu Bộ Tài chính đề xuất ý kiến này có thể ít bị phản đối hơn là HOREA. Tuy nhiên, dù xét ở bất cứ góc độ nào, đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không có sức thuyết phục trong thời điểm này".

Chuyên gia này cho rằng, với tình hình khó khăn hiện nay, các chính sách về thuế, phí đều rất nhạy cảm và có thể gây tác dụng ngược. Theo ông Thuận, HOREA cần nhìn nhận rằng nếu bất động sản muốn thu hút các dòng tiền chảy vào ngành nghề của mình thì phải tạo ra kênh đầu tư hấp dẫn. Địa ốc phải điều chỉnh bằng giải pháp tự vận động chứ không nên gây sức ép tài chính bằng đề xuất này.

Ông Thuận cho biết thêm, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đã được Chính phủ đem ra thảo luận từ lâu nhưng không thể áp dụng vì các điều kiện của nền kinh tế chưa hội đủ. "Điều quan trọng nhất lúc này là tạo ra môi trường đầu tư, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa. Đừng nên ép người dân vào thế bí trong khi các kênh đầu tư đều kém hấp dẫn", ông nói.

Trong khi đó, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét: "Có thể đề xuất của HOREA chỉ mang tính chất thăm dò ý kiến dư luận là chính. Khả năng đánh thuế tiền gửi tiết kiệm tại Việt Nam là rất thấp và thiếu thuyết phục".

Ông Nghĩa giải thích, tại Việt Nam đang tồn tại 2 thói quen tài chính đã trở thành lịch sử là giữ vàng và giữ tiền mặt. Trong bối cảnh khủng hoảng, làm ăn khó khăn, cơ hội đầu tư ít, nếu gửi tiền vào hệ thống ngân hàng bị đánh thuế thì có khi người dân sẽ tự giữ lấy bằng nhiều hình thức khác nhau.

"Tôi tin Chính phủ sẽ hành động theo hướng cởi trói các chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và hỗ trợ thị trường hơn là tận thu các khoản phí và thuế", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Vũ Lê
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.