Chờ hướng dẫn để thanh toán
Ông Lê Văn Phúc cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp cùng ngành Y tế để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện. Tới nay, tình trạng trên đã cơ bản được giải quyết, dù một số bệnh viện còn thiếu nhưng không nhiều. Về phía cơ quan BHXH, theo ông Phúc, với vai trò cơ quan quản lý quỹ BHYT, ngành BHXH luôn đảm bảo nguồn kinh phí cho các bệnh viện mua sắm thuốc, vật tư y tế qua cơ chế tạm ứng, thanh quyết toán đầy đủ, kịp thời.
Dù vậy, ông Phúc cũng chia sẻ lo lắng khi tháng 12 sắp cận kề, nhiều gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế hết hạn, nhiều loại thuốc cũng hết đăng ký lưu hành, có thể dẫn tới ách tắc. “BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương chủ động rà soát, thông báo tới các cấp ngành về hợp đồng cung ứng thuốc, vật tư sắp hết hạn, đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn. BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục cùng ngành Y tế thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư cho người bệnh BHYT”, ông Phúc nói.
- Với các trường hợp bệnh nhân BHYT đã phải tự bỏ tiền để mua thuốc, vật tư y tế ngoài do bệnh viện thiếu, quỹ BHYT có thanh toán không, thủ tục thanh toán ra sao, thưa ông?
Ông Lê Văn Phúc: BHXH Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, việc người bệnh BHYT phải tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế do bệnh viện thiếu là điều không ai mong muốn. Do đó, thời gian qua, cơ quan BHXH đã chủ động, trách nhiệm cao nhất tham gia cùng ngành Y tế giải quyết việc thiếu thuốc, vật tư y tế, nhằm đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT.
Với chi phí người bệnh BHYT phải bỏ ra tự mua thuốc, vật tư theo chỉ định của bác sĩ do bệnh viện không có, BHXH Việt Nam đã xây dựng cơ chế gửi Bộ Y tế để trình cấp thẩm quyền xin hướng dẫn xử lý. Nếu cơ chế được thông qua, BHXH Việt Nam sẽ có hướng dẫn để người bệnh làm thủ tục, nơi tiếp nhận để được thanh toán. BHXH Việt Nam đang chờ Bộ Y tế trả lời.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam |
Xử lý dứt điểm tồn đọng chi BHYT
- Có một số bệnh viện gặp vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT do vượt trần dự toán các năm trước, Bộ Y tế đã đề xuất bãi bỏ quy định về trần dự toán (Điều 24, Nghị định 146/2018), quan điểm của BHXH Việt Nam về vấn đề này ra sao?
Ông Lê Văn Phúc: Hiện còn một số chi phí chưa thanh toán do vượt trần dự toán chi khám chữa bệnh BHYT trong năm, do vướng cơ chế, thiếu thủ tục, tổng số tiền trên 4.000 tỷ đồng. Đây là số tiền vượt tổng dự toán giao hàng năm theo quy định của Nghị định 146, nên Bộ Y tế đề xuất cơ chế để giải quyết. Tình trạng này hầu như năm nào cũng có. Ngay 9 tháng đầu năm nay, tại TPHCM có 30 bệnh viện đã chi vượt dự toán cho cả năm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, kể cả việc các bệnh viện tăng chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật, thuốc không cần thiết. BHXH Việt Nam chưa thanh quyết toán là thực hiện theo quy định. Để tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho các bệnh viện, vừa qua BHXH Việt Nam đã lập 4 đoàn công tác làm việc trực tiếp với các bệnh viện để trao đổi, đề xuất Bộ Y tế, Chính phủ giải pháp tháo gỡ, phấn đấu giải quyết dứt điểm trong năm nay.
Chính sách BHYT áp dụng từ năm 1993 tới nay, có những giai đoạn không quy định về trần dự toán chi khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện, mà quỹ BHYT thanh toán theo số thực chi. Tuy nhiên, khi không quy định trần dự toán, hầu như năm nào chi quỹ BHYT cũng vượt thu, có năm còn phải vay kết dư quỹ BHXH để thanh toán BHYT. Do đó, cần có quy định về dự toán chi khám chữa bệnh BHYT hàng năm cho các bệnh viện, địa phương, vì nguồn lực quỹ BHYT có hạn, không thể chi bao nhiêu cũng được. Hiện, bình quân thu BHYT mỗi năm trên 100.000 tỷ đồng, dù có trần dự toán, nhưng có năm chi vẫn vượt thu.
- Bộ Y tế đang tiến hành nghiên cứu điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí, nếu các quy định này được thông qua, chi quỹ BHYT sẽ tăng ra sao, thưa ông?
Ông Lê Văn Phúc: Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã thống nhất về việc phải điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ, nhưng chưa thực hiện trong năm nay. Bộ Y tế đang tính toán phương án, nếu điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ phải điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật, các yếu tố cấu thành giá. Hiện giá dịch vụ y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Nếu điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, chắc chắn chi từ quỹ BHYT sẽ tăng, nhưng việc tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ y tế là cần thiết.
Khi có phương án tăng giá dịch vụ y tế sẽ tính toán tới việc chi trả từ quỹ BHYT, phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ngân sách không chi trực tiếp cho ngành y tế mà qua hỗ trợ mua BHYT, cũng có thể tính toán phương án tăng phí BHYT, điều chỉnh tỷ lệ hưởng BHYT của một số nhóm đối tượng. Quan điểm chung là việc tăng giá dịch vụ y tế không làm tăng gánh nặng cho người dân, đảm bảo gỡ khó và tăng tự chủ cho các bệnh viện.
- Cảm ơn ông!
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng: Khi người bệnh BHYT phải tự mua thuốc, vật tư y tế sẽ đối mặt rủi ro rất lớn, như có thể phải mua giá cao, chất lượng khó kiểm soát. Nếu tới có được thanh toán chi phí đã mua phải làm thủ tục gửi cơ quan BHXH, hoá đơn, chứng từ. Cơ quan BHXH phải giám định, kiểm tra lại bệnh án để xác định có đúng bác sĩ chỉ định mua, khó tránh được nguy cơ quỹ BHYT bị lạm dụng, trục lợi. Chưa kể, có thể tạo tiền lệ cho sau này, với những thuốc, vật tư bệnh viện không có, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh ra ngoài mua rồi về BHYT thanh toán.