Đề xuất chính sách đặc thù cho ‘đường đắt nhất hành tinh’ Hoàng Cầu – Voi Phục

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất chính sách đặc thù của các loại đất nông nghiệp, đất công... đã áp dụng cho các dự án trên địa bàn thành phố để báo cáo UBND thành phố cho phép áp dụng cho dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.

Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Đại diện Ban QLDA cho biết, trên cơ sở kế hoạch đầu tư công đã được HĐND thành phố thông qua, Ban đã được UBND thành phố Hà Nội giao kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 bao gồm: 17 dự án trường học; 25 dự án trụ sở TAND, Viện KSND quận huyện; 9 dự án giao thông; 5 dự án nhà ở tái định cư và 2 dự án dân dụng khác.

Trên cơ sở nhiệm vụ được UBND thành phố giao triển khai lập đề xuất chủ trương một số dự án hạ tầng giao thông đô thị, Ban QLDA đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai hoàn thành công tác lập và trình thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư/ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 9 dự án tuyến đường giao thông bằng nguồn vốn ngân sách thành phố (trong đó 5 dự án trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021- 2025)…

Khởi công 3 dự án: Tuyến đường số 5 khu đô thị Tây Hồ Tây; trụ sở TAND quận Bắc Từ Liêm; trụ sở TAND huyện Thanh Trì. Hoàn thành 6 công trình (Trường THPT Trương Định, Trường THPT Ngọc Tảo, trụ sở Viện KSND quận Bắc Từ Liêm, Trường THPT Đông Anh, trụ sở Viện KSND thành phố, trụ sở Viện KSND huyện Ba Vì). Tiếp tục phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng công trình trụ sở TAND thành phố trong Quý I/2022.

Đồng thời tổ chức GPMB, thi công các dự án đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh: Dự án đường Vành đai 1; Liên cơ Vân Hồ; tuyến đường số 5 vào khu đô thị Tây Hồ Tây; trụ sở TAND Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì; trụ sở VKSND Thường tín, Hai Bà Trưng, Ba Vì....

Đặc biệt, Ban QLDA đã giải ngân kế hoạch vốn 2021 đạt 547 tỷ đồng cho 15 dự án (12 dự án giao vốn đầu năm; 3 dự án giao bổ sung vốn). Lũy kế giải ngân đến 31/12/2021 là 502/547 tỷ (đạt 92%); đến hết 31/1/2022 giải ngân 540/547 tỷ (đạt trên 98%).

Năm 2022, Ban QLDA khởi công mới 5 dự án, gồm: Tuyến đường số 8 và các tuyến kết nối khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm; Trường THPT Ngọc Hồi; Nhà TĐC tại phường Trần Phú quận Hoàng Mai (nhà A,D); Đường Đại lộ Thăng long đoạn nối từ QL21 đến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình; Nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long. Hoàn thành bàn giao 7 dự án (Trụ sở TAND thành phố, TAND quận Hà Đông, TAND huyện Thanh Trì; TAND quận Bắc Từ Liêm; Trụ sở VKSND huyện Thường Tín; trường THPT Yên Lãng; trường Mầm non B)…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ghi nhận, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo Ban cùng toàn thể cán bộ viên chức, người lao động của Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội thời gian qua.

Năm 2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố, quán triệt chủ đề công tác năm 2022 của thành phố là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Chủ động tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các ngành, cấp chính quyền địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về nguồn vốn, thủ tục, các cơ chế chính sách - vận động Nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt đối với dự án “con đường đắt nhất hành tinh” vành đai 1 Hoàng Cầu – Voi Phục, lãnh đạo thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất chính sách đặc thù của các loại đất nông nghiệp, đất công... đã áp dụng cho các dự án trên địa bàn thành phố (dự án xây dựng đường Lương Đình Của, xây dựng đường Vành đai 3 mở rộng...) để báo cáo UBND thành phố cho phép áp dụng cho dự án đường Vành đai 1.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu UBND các Quận huyện Ba Đình, Đống Đa rà soát, tổng hợp, báo cáo rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các loại đất nông nghiệp, đất công...trong phạm vi GPMB đường Vành đai 1 để Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách áp dụng chính sách đặc thù; Tập trung thu hồi mặt bằng các hộ dân đã phê duyệt phương án; Tích cực tuyên truyền vận động các hộ dân đã đủ điều kiện (tái định cư, chi trả tiền...) bàn giao mặt bằng để thi công. Khoanh vùng, xác định từng khu vực theo kế hoạch thi công để tập trung GPMB đồng bộ.

Tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục có chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1 tại các nút Giảng Võ – Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh). Điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu, điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục.

Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là hơn 7.200 tỷ đồng. Đây là tuyến đường được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” với tổng đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng; chi phí đầu tư mỗi mét đường lên tới hơn 3,4 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.