Đề xuất chi hơn 80 nghìn tỷ cho các dự án giao thông trọng điểm ở TPHCM

Phối cảnh Cầu Cần Giờ
Phối cảnh Cầu Cần Giờ
TPO - Theo Sở GTVT TPHCM, 20 dự án giao thông trọng điểm cần sớm được ưu tiên bố trí vốn để triển khai nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc, nâng cao năng lực giao thông cho thành phố.

Ngày 26/1, Sở GTVT TPHCM cho biết đang đề xuất thành phố xem xét, chuẩn bị đầu tư 20 dự án giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 80 nghìn tỷ đồng

Các dự án nói trên gồm 5 tuyến đường kết nối liên vùng, 4 cầu bắc qua sông, 3 công trình chống kẹt xe quanh sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái... cần lập kế hoạch đầu tư từ năm 2021.

Cụ thể, 5 tuyến đường kết nối liên vùng, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu (TP. Thủ Đức) dài 4,5 km với tổng vốn dự kiến gần 10.000 tỷ đồng. Dự án xây đường song hành Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) dài 8,5 km (hơn 3.700 tỷ đồng); đường trục động lực song hành QL50 đi qua huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh dài 8,6 km (hơn 4.000 tỷ đồng); mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Ông Lớn ở huyện Hóc Môn (hơn 2.400 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng đường Long Hậu huyện Nhà Bè dài 1,8 km (500 tỷ đồng).  

4 công trình cầu đề xuất đầu tư, gồm: Cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) có tổng mức đầu tư 325 tỷ đồng; cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và quận 2 (5.300 tỷ đồng); cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ (gần 10.000 tỷ đồng); cầu Rạch Dơi huyện Nhà Bè (782 tỷ đồng).

Khu vực có mật độ giao thông cao ở cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất có 3 dự án, gồm: Xây đường D7 từ đoạn giao với đường Nguyễn Thị Tư đến đường Võ Chí Công TP Thủ Đức dài 1,5 km với tổng vốn đầu tư hơn 594 tỷ đồng; đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu TP Thủ Đức dài 1,5 km (578 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Trường Chinh từ nút giao đường Cộng Hoà đến đường Phạm Văn Bạch quận Tân Bình dài 420 m (30 tỷ đồng).

Để khép kín tuyến đường Vành đai 2, Sở GTVT đề xuất lập kế hoạch đầu tư 3 dự án, gồm: Đoạn 4 từ QL 1 đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km (hơn 9.200 tỷ đồng); xây tuyến vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thuỷ và từ nút giao này đến đường Nguyễn Duy Trinh TP Thủ Đức dài hơn 5 km (khoảng 2.200 tỷ đồng).

Đề xuất chi hơn 80 nghìn tỷ cho các dự án giao thông trọng điểm ở TPHCM ảnh 1 Cầu Tân Kỳ - Tân Qúy đang tạm ngưng thi công do "vướng" thủ tục

Sở GTVT đề xuất triển khai thực hiện hai tuyến đường trên cao, gồm: Đường số 1 chạy từ nút giao Cộng Hoà đến đường Ngô Tất Tố qua địa bàn 3 quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh dài 9,5 km với tổng vốn đầu tư khoảng 17.500 tỷ đồng; Đường số 5 chạy từ nút giao Trạm 2 đến An Sương - TP Thủ Đức và đến quận 12 dài 21,5 km (hơn 15.400 tỷ đồng).

Ngòa ra, Sở GTVT cũng đề xuất lập kế hoạch đầu tư nâng cấp đường Ung Văn Khiêm và xây nút giao Đài Liệt sỹ thuộc quận Bình Thạnh dài 1,7 km với tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng; dự án kết nối đồng bộ tuyến Metro số 1 và số 2 tại ga Bến Thành (hơn 2.000 tỷ đồng) và nạo vét luồng, xây kè bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức huyện Bình Chánh (233 tỷ đồng).

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết ngay trong năm 2021, Sở GTVT sẽ hoàn thành thủ tục để trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách sẽ ưu tiên tập trung đầu tư trong năm 2021. Cụ thể: Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; các dự án thuộc địa bàn TP Thủ Đức như nút giao thông An Phú, khép kín đường vành đai 2; các tuyến đường cửa ngõ thành phố như mở rộng các QL 1, 13, 22, 50...

TPHCM sẽ cùng các tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT xem xét, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án kết nối Vùng, như: Đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, Cầu Cát Lái, mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; trục động lực kết nối TP HCM - Long An - Tiền Giang,…

MỚI - NÓNG