Cụ thể, đây là vắc-xin của công ty Moderna (Hoa Kỳ) và vắc-xin của công ty JSC Generium (Nga). Hai loại vắc-xin trên được đề xuất phê duyệt nhằm sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 67, Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Trước đó, tại Quyết định số 983/QĐ-BYT ban hành ngày 1/2, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho vắc xin AstraZeneca. Ngày 24/2, hơn 117.000 liều vắc-xin này đã về tới Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo người dân tiếp cận sớm nhất với vắc xin, Bộ nỗ lực đàm phán để nhập khẩu về nước. Dự kiến, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19.
Bộ Y tế với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vắc xin phòng COVID-19.
Các bên đã tiến hành trao đổi các nội dung liên quan đến việc tiêm chủng vắc-xin như cấp phép cho vắc-xin, đối tượng tiêm, truyền thông tiêm chủng và các vấn đề liên quan.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự cảm ơn đối với những nỗ lực của chương trình COVAX Facility, tạo điều kiện để Việt Nam được tiếp cận sớm với nguồn vắc-xin phòng COVID-19.
Về đối tượng ưu tiên tiêm, các bên thống nhất sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận vắc-xin phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Đại diện các tổ chức quốc tế đồng ý với những trao đổi về việc một số vắc xin bảo quản trong điều kiện khó khăn, phải huy động nguồn lực xã hội hoá như vắc-xin của Pfizer.
Với vắc-xin của Pfizer, yêu cầu bảo quản ở âm 70 độ C và tiêm trong 5 ngày sau khi rã đông, nên nếu không tiêm kịp trong thời hạn đó vì những lý do khách quan thì sẽ gây lãng phí. Thực tế tiêm vắc-xin này tại Mỹ cho thấy tỷ lệ không sử dụng ở mức cao.