Đề xuất bổ sung hình thức nhận tố cáo bằng fax, thư điện tử

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
TPO - Điều 18 của dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) quy định hình thức tố cáo là: Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói; văn bản tố cáo bao gồm bản giấy, bản fax, thư điện tử.

Không nên giới hạn

Sáng 7/2, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã nêu ra 5 vấn đề, trong đó có nội dung rất được quan tâm trong thời gian qua là hình thức tố cáo (Điều 18)

Theo ông Định, qua thảo luận và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng hình thức tố cáo để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đồng thời ghi nhận các hình thức tố cáo đã được quy định trong các luật khác (như Luật Phòng, chống tham nhũng); một số ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh phức tạp thêm tình hình.

Về việc này, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Hơn nữa, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước.

Do đó, không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn chỉ có văn bản giấy, hình thức thể hiện của tố cáo trực tiếp chỉ là gặp mặt trình bày bằng lời nói. Dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ (nhân thân) của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định có thụ lý giải quyết tố cáo hay không (từ Điều 20 đến Điều 23).

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội về việc bổ sung các hình thức tố cáo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo thống nhất chỉnh lý Điều 18 của dự thảo Luật về hình thức tố cáo là: Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói; văn bản tố cáo bao gồm bản giấy, bản fax, thư điện tử; tố cáo bằng lời nói bao gồm: người tố cáo trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc với cá nhân có thẩm quyền; tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo. Cụ thể là quy định cụ thể về các điều kiện để tiếp nhận tố cáo tương ứng với từng hình thức; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải công khai địa chỉ trụ sở làm việc, hòm thư điện tử (email), điện thoại, số fax để người tố cáo gửi tố cáo đến đúng địa chỉ quy định (Điều 19); xác định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc kiểm tra, xác minh điều kiện thụ lý tố cáo trước khi quyết định thụ lý hay không thụ lý tố cáo (Điều 20).

Ông Định nhấn mạnh, trong hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo phải bao gồm báo cáo hoặc biên bản kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ người tố cáo, biên bản làm việc trực tiếp với người tố cáo để xác minh nội dung tố cáo (nếu có) (điểm a khoản 1 Điều 37). Đồng thời, bổ sung quy định nghiêm cấm đối với các hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, sử dụng họ, tên của người khác để tố cáo hay lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác (Điều 7).

Đây là các quy định nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

“Người thân” được bảo vệ trong trường hợp nào?

Về bảo vệ người tố cáo (Chương VI), Luật Tố cáo hiện hành quy định đối tượng bảo vệ bao gồm người tố cáo và người thân thích của người tố cáo. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 quy định theo hướng thu hẹp đối tượng được bảo vệ chỉ bao gồm người tố cáo.

Theo ông Định, qua thảo luận, có ý kiến nhất trí quy định nêu trên; ý kiến khác cho rằng, không nên thu hẹp đối tượng bảo vệ nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo nhận thấy, về cơ bản, quyền và lợi ích hợp pháp người tố cáo, những người liên quan đến người tố cáo đều được bảo vệ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt thì cần có những biện pháp tích cực, chủ động hơn để bảo vệ kịp thời, có hiệu quả quyền của người tố cáo. Bộ luật Tố tụng hình sự và một số văn bản pháp luật khác cũng có quy định về các biện pháp bảo vệ đối với một số đối tượng như người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại ...

Để vừa thực hiện chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ người tố cáo, vừa bảo đảm tính khả thi, thực chất, phù hợp với công tác giải quyết tố cáo, dự thảo Luật đã kế thừa quy định về đối tượng bảo vệ là người tố cáo, xác định rõ hơn đối tượng “người thân thích của người tố cáo” trong Luật hiện hành là những người thân thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại Bộ luật Dân sự, đồng thời xác định rõ các căn cứ, điều kiện để được bảo vệ tại khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật, cụ thể là:

Người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo được bảo vệ trong trường hợp sau đây:

Người tố cáo có yêu cầu được bảo vệ cho những người đó khi có căn cứ về việc tính mạng, sức khỏe của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử tại nơi công tác, nơi làm việc do việc tố cáo;

Cơ quan có thẩm quyền có căn cứ về việc các quyền và lợi ích hợp pháp của những người đó đang bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tố cáo”.

MỚI - NÓNG