Đề xuất áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, chuyển giá.

Tiếp tục phiên họp thứ 26, sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Ông cho biết, ngày 9/7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc về giải pháp hai trụ cột.

Trong đó: Trụ cột thứ nhất phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số.

Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.

Đề xuất áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Về tình hình triển khai, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore....

Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó, trong đó có việc áp dụng quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên…

“Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Về lý do tên gọi của Nghị quyết được đề nghị không có chữ “thí điểm”, Chính phủ cho rằng, nếu có chữ “thí điểm” thì văn bản này được đánh giá là “không mang tính chắc chắn”, do đó khó có khả năng đạt chuẩn theo hướng dẫn của OECD.

Bộ trưởng khẳng định, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới. Cụ thể như: Tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nhất trí cần ban hành văn bản pháp lý để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có thể kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Thường trực Uỷ ban nhất trí trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2023 theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp.

MỚI - NÓNG