Thông tin quy hoạch tác động đến giá BĐS
Một trong những nguyên nhân dẫn đến "cơn sốt đất" thời gian qua cho thấy xuất phát từ việc các địa phương công bố thông tin quy hoạch, thay đổi bảng giá đất hay bắt đầu từ những thông tin chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị, việc xúc tiến đầu tư của các tập đoàn, "ông lớn" trong lĩnh vực BĐS..., đã được giới đầu cơ lợi dụng để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính, gây bất ổn cho thị trường.
Hiện tượng này từng xảy ra ở các khu vực dự kiến quy hoạch lên quận của Hà Nội, khu vực thành lập thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)... Tình trạng này thời gian qua lại tái diễn ở một số địa phương. Ví dụ tại Hà Nội, thông tin về quy hoạch một số huyện ngoại thành lên thành phố, thông tin quy hoạch các tuyến đường, xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng... dù chưa chính thức được phê duyệt nhưng trên thị trường nhiều khu vực giới đầu cơ, môi giới BĐS “đẩy sóng” giá nhà, đất để thu lợi, tạo sốt ảo.
Đánh giá về hiện tượng này, tại tọa đàm “Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch” diễn ra sáng (2/11) do Báo Tiền Phong tổ chức, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, thông tin quy hoạch có tác động nhiều đến giá đất, giá BĐS.
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, dễ xảy ra các cơn "sốt đất" nếu thông tin về quy hoạch không được công khai, minh bạch. |
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Hà Nội đang tiến hành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050, trong đó dự kiến đưa 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn và Đông Anh lên thành phố cùng với các đô thị vệ tinh khác như Sơn Tây, Hòa Lạc, Phú Xuyên,… và chuỗi đô thị ven sông Hồng trong tương lai để Hà Nội trở thành mô hình thành phố trong thành phố.
Đây là quy hoạch đô thị hiện đại giúp cho đô thị trung tâm giảm tải dân số, chỉnh trang kiến trúc đô thị, nâng cao chất lượng sống (về nhà ở, việc làm) và xây dựng môi trường sống an toàn bền vững trước thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra và thích ứng với phòng chống đại dịch COVID -19.
Tuy nhiên, để các huyện nói trên trở thành thành phố thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tiêu chí theo quy định về phân loại và nâng cấp đô thị của Chính phủ, mà trong đó, tỷ lệ đô thị hóa phải đạt từ 62% trở lên, nhưng hiện nay Hà Nội mới đạt tỷ lệ đô thị hóa là 45%.
Vậy tại sao xuất hiện “cơn sốt” nhà, đất ở một số nơi, một số khu vực có thông tin quy hoạch trên?. Trước hết, việc Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chung và phê duyệt một số dự án quy hoạch phân khu, đặc biệt là phân khu đô thị sông Hồng. Đồng thời chuẩn bị xây dựng một loạt cây cầu mới trên sông Hồng đoạn 40 km chảy qua Hà Nội, trong đó có cầu Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy 2 (sắp hoàn thành)… hoàn thành Vành đai 3, xây dựng Vành đai 4 và các đường trục kết nối trung tâm với các quận, huyện của Hà Nội,… đã tạo tiền đề rất thuận lợi cho huyện như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh... khi lên thành phố.
Bên cạnh đó, ngoài các công trình lớn mang tầm quốc tế như sân bay Nội Bài đã có…, thì nhiều dự án khu đô thị mới, Trung tâm văn hóa, triển lãm, công viên lớn, các cụm công nghiệp trọng điểm cũng bắt đầu khởi công, thực hiện… trên địa bàn 3 huyện này, đã tạo niềm tin cho nhân dân vào kế hoạch phát triển của Hà Nội trong tương lai, gây hiệu ứng rất tốt trong xã hội. Và đó cũng là nguyên nhân để các nhà đầu cơ vốn rất nhanh nhạy với thị trường tìm đến và tạo nên "cơn sốt" nhà đất, nhất là ở khu vực thị trấn, ven thị trấn huyện lị, nơi có các dự án lớn và gần các đường giao thông chính nằm trong quy hoạch.
Công khai quy hoạch chặn “sốt đất”
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng "sốt đất" ăn theo quy hoạch thì phía chính quyền cần công khai thông tin quy hoạch một cách minh bạch với người dân và có định hướng thông tin để người dân biết.
"Vì nếu không, dễ xảy ra các cơn "sốt đất" ra gây bất ổn kinh tế xã hội ở địa phương, và người bị thiệt hại nhất là người mua. Bởi sốt ảo nhưng tiền thật!", KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn hiện tượng “sốt đất” ăn theo quy hoạch, chính quyền cần công khai thông tin quy hoạch một cách minh bạch. (Ảnh minh họa) |
Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, về phía người dân cần hiểu rõ, đây chỉ là quy hoạch điều chỉnh, là chủ trương của nhà nước. Còn khi triển khai thực hiện phải qua nhiều bước quy hoạch tiếp theo, như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… lúc đó nơi nào là dự án nhà ở, nơi nào là công viên, là đường, là trường học.v.v…, nơi nào phải giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án công cộng của thành phố… vì thế người dân phải tỉnh táo khi đầu tư vào nơi mà chưa biết hình hài cụ thể của đô thị ra sao trong mười, ba mươi năm nữa.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, hồi tháng 3 Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.
Do đó, ngày 25/10 vừa qua Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục ký công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
“Người dân trước khi mua nhà, đất nên tìm hiểu kỹ các thông tin quy hoạch, đồ án quy hoạch chứ không chạy theo tâm lý đám đông. Lúc cơn sốt đất đi qua, người chịu thiệt nhất chính là người dân. Để tìm hiểu thông tin quy hoạch, người dân có thể vào cổng thông tin quy hoạch quốc gia để tra, hoặc đến chính quyền địa phương đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến quy hoạch theo quy định”, ông Nguyễn Mạnh Khởi khuyến cáo.