Yên Bái: khoảng 2.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 2.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó: 47 trẻ nhiễm HIV/AIDS, 34 trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV, 370 trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV, 504 trẻ em bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ nghèo, 1.496 trẻ em bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ cận nghèo.
Thực hiện Quyết định số 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 130/KH-UBND ngày 07/10/2014 về kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014-2020.
Thực hiện Kế hoạch hành động, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức các mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại các xã có tỷ lệ người nhiễm cao và nhiều tệ nạn xã hội; đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể tổ chức các hoạt động chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và ký kết Kế hoạch liên ngành về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em...
Quá trình thực hiện Kế hoạch, công tác truyền thông cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, nhất là trong các dịp như Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS”, Ngày "Thế giới phòng, chống AIDS - 1/12” hàng năm và các đợt truyền thông, tư vấn xét nghiệm tại các cơ sở y tế và cộng đồng về HIV/AIDS.
Đồng thời, toàn tỉnh đã tổ chức được 828 buổi truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS cho gần 20 nghìn lượt người, đạt trên 153% kế hoạch đặt ra; tư vấn xét nghiệm HIV tại phòng tư vấn tự nguyện cho 795/1.780 người và triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại nhằm khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên trách về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, công tác phòng, chống HIV/AIDS nói riêng nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức, kỹ năng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Về cơ bản, cán bộ cấp huyện, xã đã được giới thiệu, hướng dẫn về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chính sách xã hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để tuyên truyền đến từng thôn bản.
Thực hiện các chính sách chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, ngành y tế thường xuyên chỉ đạo các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và y tế cơ sở quan tâm, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV được tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV sớm. 98% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế.
Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng được tư vấn về chính sách xã hội, được kết nối mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cộng đồng một cách tích cực nhất...
Các hoạt động hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được chú trọng nhằm đảm bảo quyền phát triển toàn diện, quyền chữa bệnh, quyền học tập của trẻ, chống phân biệt, kỳ thị trong cộng đồng...
Trẻ em tại các trường học cũng được tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhằm giúp các em nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân tốt nhất.
Trên 95% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục
Qua triển khai Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em, đến nay, trên 95% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định, phù hợp với độ tuổi và nhu cầu; 100% các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh và cán bộ y tế cơ sở đã được cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng về chăm sóc cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; 100% trẻ bị ảnh hưởng đều được tiếp nhận vào các trường học, không còn hoặc còn rất ít trường hợp trẻ bị kỳ thị trong các trường học, đạt 95% kế hoạch đã đề ra.
Chị Lê Hoàng Anh - Phó trưởng Phòng Trẻ em - Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Có thể nói, chương trình hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại tỉnh Yên Bái đã được thực hiện tích cực, hiệu quả.
Với nguồn lực còn hạn chế, song các hoạt động được triển khai lồng ghép với các mục tiêu bảo vệ trẻ em, hình thành các mạng lưới kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng, giúp cho cán bộ hiểu rõ trách nhiệm, vai trò của mình trong mạng lưới cung cấp dịch vụ, giúp người dân và nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nắm rõ quy trình hỗ trợ, can thiệp, tìm đúng địa chỉ cần trợ giúp một cách nhanh chóng.
Những hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã góp phần mang lại sự công bằng, bình đẳng và giảm mức thấp nhất sự tổn thương cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giúp các em hòa nhập, tự tin và phát triển toàn diện, được chăm sóc và giáo dục bình đẳng như các trẻ em khác”.