Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Toán, Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) cho biết, đề Toán đã đạt được kết cấu 60% cơ bản, 40% nâng cao và không vi phạm quy định giảm tải. Tuy nhiên, để làm được hết đề này học sinh sẽ cực kỳ vất vả vì đề 50 câu quá dài, có những câu bất ngờ chưa từng ra trong đề thi tự luận như những năm trước.
“Những câu đầu học sinh chỉ cần mất mấy giây để tích đáp án đúng nhưng càng về sau, có những câu riêng phần đọc đề cho ngấm (khoảng 2 lượt) đã mất 1 phút. Vì vậy, có quá ít thời gian để tư duy, tính toán”, cô Hằng nói.
Đánh giá về đề Toán, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) ông Hoàng Văn Phú cho rằng, đề minh họa phân loại được học sinh dự thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Học sinh nắm được chuẩn kiến thức, kĩ năng có thể làm được ít nhất 60% số câu hỏi. Học sinh có học lực khá, giỏi có thể trả lời đúng được tất cả các câu hỏi trong thời gian cho phép.
Ông Phú cũng kiến nghị, Bộ cần cân đối số lượng câu hỏi theo từng phần hơn nữa để phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng quy định trong chương trình và thời lượng học của từng phần. Trong đề thi môn Toán khó tránh khỏi các câu hỏi mang tính định lượng. Theo thầy Nguyễn Tuấn Lâm, giáo viên Toán trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM, hình thức câu hỏi, đề có nhiều điều mới lạ và đa dạng.
Trong 30 câu dễ, có khoảng 16 câu mà học sinh biết sử dụng máy tính cầm tay có thể tìm ra ngay kết quả. Các câu hỏi phân loại có độ khó vừa sức, không khó đánh đố thí sinh như đề tự luận các năm trước. Đặc biệt, đề thi đã có các câu hỏi về những bài toán ứng dụng trong thực tiễn như tính vận tốc, thể tích, lãi suất ngân hàng… “Đây là điều rất đáng mừng, góp phần khắc phục tính cứng nhắc trong việc giảng dạy và học tập môn Toán trong nhà trường phổ thông”, thầy Lâm nói.
Thay đổi dạy học thế nào?
“Cái khó là giáo viên Toán đang tự họp bàn, trao đổi để biên soạn các bộ đề trắc nghiệm để học sinh làm quen trong khi ở trường chưa có ai có kinh nghiệm trong việc ra đề. Nếu Bộ Giáo dục có ngân hàng đề mẫu hoặc tài liệu hướng dẫn thì giáo viên sẽ đỡ bối rối và vất vả”, cô Hằng nói.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên dạy Toán một trường THPT tại Hà Nội lại bày tỏ sự lo lắng khi đề năm nay có nhiều dạng mới, bất ngờ như thế từ nay đến tháng 6 học sinh sẽ không đủ thời gian để học và ôn tập. Cô Hà cho rằng, các dạng bài Toán liên hệ thực tế, tích hợp giữa hình học, đại số…là hoàn toàn mới, học sinh sẽ phải mất nhiều thời gian để ôn luyện.
Thầy Nguyễn Tuấn Lâm cũng cho rằng, để giải quyết 50 câu hỏi trong thời gian 90 phút, nhất thiết học sinh cần hình thành các kĩ năng suy đoán, phân tích chọn lựa đáp án đúng, suy nghĩ nhanh, cũng như phân bổ thời gian làm bài hợp lý và tận dụng tốt công cụ tính toán nhanh bằng máy tính. Ông Phạm Hồng Danh, Trưởng bộ môn Toán Cơ bản, trường Đại học Kinh tế TPHCM khẳng định: “Trong đề có nhiều câu đòi hỏi phải suy nghĩ, vì thế thí sinh khó có thể làm hết đề trong 90 phút”.