Trả lời trong cuộc họp báo chiều nay, 27/6 sau khi kết thúc kì thi THPT quốc gia 2018, Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng, ông đã nhận được rất nhiều phản hồi cũng như câu hỏi về đề thi các môn trong kì thi THPT quốc gia 2018.
Ông Hồng cho rằng, đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT thực hiện xây dựng đề thi chỉ môn Ngữ Văn theo hình thức tự luận, các môn còn lại mỗi vòng thi có 24 mã đề thi riêng.
Có rất nhiều ý kiến cho rằng, đề thi năm nay khó, thậm chí GS Toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng cũng phải "lắc đầu", Ông Hồng cho rằng, nếu nói về độ khó của đề cần căn cứ về nội dung ra đề trước.
“Hội đồng ra đề thi tuân thủ Ban chỉ đạo quốc gia, là đề ra trong chương trình lớp 11 và lớp 12 nhưng chủ yếu lớp 12. Trong các đề thi này tỉ lệ lớp 11 chiếm 15-20% còn lại 80-85% là lớp 12. Như vậy, nội dung là toàn bộ nằm trong chương trình phổ thông”- ông Hồng khẳng định.
Ông Hồng cũng cho rằng, có ý kiến nói cấu trúc đề thi năm nay thay đổi là không chính xác mà vẫn giữ nguyên như năm 2017 vẫn 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao.
Đối với các môn các bài thi, theo ông Hồng, dù đề theo hình thức tự luận thì cũng có cấp độ các câu hỏi, từ dễ đến khó. Đề có 4 cấp độ: Nhận biết- thông hiểu- vận dụng thấp- vận dụng cao. Như vậy, thí sinh chỉ cần hiểu văn bản, liệt kê là có điểm.
Ông Hồng cho biết, ban đề thi đã tuân thủ chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi, đề thi phải tăng cường phân hóa.
"Với độ khó của đề, trong này có cả từ những câu rất dễ đến những câu khó một cách tuần tự.
Để tăng cường độ phân loại đối với thí sinh, phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Vì thế không phải tất cả đề thi khó mà là có một số câu hỏi dành phân loại cho thí sinh khá giỏi”- ông Hồng cho biết.
Vậy vì sao cảm thấy khó? Thí sinh đã được thông báo khi học lớp 11 là đên năm nay sẽ có nội dung của lớp 11.
"Việc thêm nội dung lớp 11 vào tạo ra kiến thức rộng nên thí sinh cảm giác đề thi năm nay khó hơn”- ông Hồng giải thích.
Cũng theo ông Hồng, năm 2017, Bộ GD&ĐT công bố 3 đề thi: minh họa, thử nghiệm và tham khảo nên thí sinh được tập luyện nhiều hơn.
“Trong khi năm nay chỉ công bố đề tham khảo, dùng để tham khảo về mặt cấu trúc. Tất cả câu hỏi trong đề đều ra trong nội dung 12 và 11 nên năm nay thí sinh cũng cảm thấy đề khó hơn”- ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Hồng cũng nêu quan điểm, đề thi mà các em làm được hết thì không phải là một đề tốt. Mà một đề nếu không thí sinh nào làm được thì cũng không phải là tốt.
“Nói về độ khó của đề thi phải nói đến một dải dài kiến thức. Năm nay, đề thi được báo trước cho thí sinh là tăng độ phân hóa lên. Để tăng cường phân loại thí sinh thì phải tăng câu hỏi khó hơn. Ai năng lực tốt hơn làm được câu hỏi khó hơn. Như vậy, nói đề năm nay khó là điều hiển nhiên”- ông Hồng khẳng định.
Có xác suất được mã đề dễ hơn?
Trước câu hỏi về việc cân bằng độ khó – dễ giữa các mã đề thi khi có nhiều ý kiến cho rằng, có một số môn thi thí sinh may mắn “rơi” vào mã đề khá dễ.
Ông Sái Công Hồng cho rằng, năm nay là năm thứ hai sử dụng câu hỏi thi đề xuất. Còn việc sử dụng câu hỏi thi chuẩn hóa để như ở Mỹ… chúng tôi cố gắng tiếp tục cập nhật, tập huấn và nâng cao dần năng lực ra đề, phân tích, cân bằng độ khó giữa các mã đề.
Trước câu hỏi của các phóng viên: Vậy cân bằng độ khó- dễ của các mã đề thi thế nào?, Ông Hồng cho rằng cần phải giải thích đến… mấy ngày vì kỹ thuật quá. Vấn đề này liên quan đến nhập liệu, phân tích, độ tương quan, độ lệch chuẩn, sai số… mang tính thống kê và liên quan đến tâm trắc học.
“Kinh nghiệm xây dựng ngân hàng mới 2 năm và quy trình sẽ được chuẩn hóa dần dần, không phải ngày một ngày hai đã xong”- ông Hồng khẳng định.