Đến nay chưa có thống kê chính thức một người cần bao nhiêu bằng cấp, chứng chỉ để trở thành cán bộ, viên chức, nhưng chắc cũng phải tới cả chục, thậm chí nhiều hơn: Bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học văn phòng, quốc phòng; các loại chứng chỉ quản lý nhà nước (chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp), bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ các loại từ thấp đến cao; bằng chính trị trung, cao cấp… Số lượng chứng chỉ, văn bằng trong hồ sơ sẽ còn dày lên theo thời gian, nhất là khi anh được bổ nhiệm vào chức vụ nào đó. Có người sắp về hưu rồi vẫn được cử đi học bồi dưỡng lớp này lớp kia là điều có thật.
Trong xu hướng hội nhập thế giới và Công nghiệp 4.0, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trang bị kiến thức nền là cần thiết. Nhưng cuộc chạy đua với quá nhiều loại văn bằng, chứng chỉ để cốt làm đẹp hồ sơ, để phòng thân như hiện nay lại là chuyện khiến người ta mệt mỏi. Ở địa phương nọ, không ít trường hợp công tác nhiều năm, vì một quy định nào đó, buộc phải quay lại thi tuyển viên chức, đã kêu cứu lên cấp trên để được xét đặc cách, vì thi chắc chắn trượt dù hồ sơ chả thiếu bằng cấp gì.
Người quá tập trung chuyên môn thường không biết cách làm thế nào để có đủ văn bằng, chứng chỉ, trong khi quy định liên tục thay đổi, thách đố như ma trận. Anh em “hoàng tử xiếc” Quốc Cơ, Quốc Nghiệp nói mình không có thời gian để lo các loại chứng chỉ ấy. Trên mạng kẻ xấu công khai rao bán các loại chứng chỉ, bằng cấp, kể cả bằng đại học như bán mớ rau, con cá. Nhiều đối tượng đã bị khởi tố, bắt giữ nhưng thị trường bằng giả vẫn sôi động vì nhu cầu rất lớn.
Trong cuộc họp những người làm công tác Nội vụ của các bộ ngành, địa phương trên khắp cả nước về tuyển dụng công chức, viên chức, nhiều địa phương kêu khó, vướng nhiều nội dung, nhất là việc xác minh, truy nguyên bằng cấp. Đại diện Sở Nội vụ TPHCM cho biết, có những cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ nay đã giải thể, không biết liên lạc với ai để xác minh. Đề nghị Bộ GD&ĐT hướng dẫn, Bộ trả lời đơn vị nào tiếp nhận hồ sơ giải thể cơ sở đó sẽ trả lời, nhưng cũng không thể biết đơn vị nào tiếp nhận hồ sơ giải thể…
Bạn tôi kể câu chuyện dở khóc dở cười, có người nhà làm giáo viên hợp đồng ở Hà Nội, không dám thi viên chức vì sợ thi trượt, dù bằng cấp, toàn loại khá giỏi. Đòi hỏi phải có chứng chỉ khung mà các bộ ngành quy định vô tình tạo ra tình huống hết sức trái ngang. Người có kinh nghiệm mấy chục năm, đứng đầu đơn vị, vì thiếu chứng chỉ nghiệp vụ, chuyên viên (dù có bằng cử nhân, thạc sỹ ngành đó) vẫn không được chuyển, nâng ngạch.
Năm trước có quy định giáo sư, tiến sỹ phải thi chứng chỉ sư phạm mới tiếp tục được đứng lớp giảng dạy khiến dư luận một phen xôn xao, cuối cùng cơ quan chủ quản phải rút quy định ra khỏi dự thảo luật, nhưng không biết có quy định ở văn bản dưới luật hay không?
Học để có kiến thức, kỹ năng làm việc là cần thiết, cũng như đọc sách để xúc rửa tư duy mỗi ngày. Nhưng quy định quá nhiều chứng chỉ, khác nào giấy phép con, tốt đâu chưa thấy, mà thấy ngay đẻ thêm phiền nhiễu, đẻ thêm cả cơ chế chạy chọt, xin cho.