Đề có sự phân hóa cao
Theo Bộ GD&ĐT, đề thi năm nay cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm ngoái nhưng để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn, nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018. Cụ thể, đề tham khảo có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.
Ngoài ra, trong các đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, được xây dựng tiệm cận theo định hướng đánh giá năng lực người học giúp đánh giá được năng lực thí sinh một cách công bằng và chính xác. Đặc biệt, môn Ngữ văn đề thi xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu.
Thí sinh dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Như Ý |
Cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, đề tham khảo là một trong những căn cứ quan trọng để thầy cô, học sinh các trường hình dung cấu trúc, độ khó dễ trong kỳ thi năm nay. Ma trận đề có số câu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao hợp lý. Ngữ liệu ở phần đọc hiểu không trích từ sách giáo khoa nhưng có ý nghĩa sâu sắc về lẽ sống và cách sống với tuổi trẻ. Riêng phần nghị luận văn học, ngữ liệu vẫn nằm trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên cái hay là yêu cầu đòi hỏi thí sinh phải ngẫm nghĩ, viết được quan điểm, suy nghĩ của mình. Điều này hạn chế được việc sử dụng văn mẫu và cách dạy theo văn mẫu.
Từ nay đến kỳ thi không còn nhiều thời gian, cô Nga khuyên học sinh nắm chắc kiến thức về thể loại (thể thơ, các thể loại văn xuôi), các biện pháp tu từ và tác dụng nghệ thuật của biện pháp tu từ đồng thời luyện tập cách đọc văn bản để nắm được nội dung văn bản nhanh nhất. Ngoài ra, với cách ra đề mở như hiện nay cũng đòi hỏi học sinh phải biết liên hệ nội dung văn bản với cuộc sống và bản thân.
Khi câu hỏi chủ ý hạn chế văn mẫu, học sinh cần nắm quy tắc viết bài văn nghị luận đủ 3 phần: Mở bài - Thân bài - Kết bài. “Biết đi đúng vào trọng tâm yêu cầu của đề và nêu được cảm nhận riêng của mình về đoạn văn hoặc đoạn thơ mà đề ra cũng như nắm bắt ý phụ, trình bày đúng nội dung ý phụ. Những bài viết có tính sáng tạo và có kiến thức về lý luận văn học sẽ đạt điểm cao”, cô Nga nói.
Đối với môn Tiếng Anh, các giáo viên đánh giá, đề có tới 30% câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, trong đó độ phân hóa dồn vào các câu hỏi từ vựng nâng cao, thành ngữ và đọc hiểu. Nếu học sinh nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa có thể đạt mức 7-8 điểm. Do đó, nếu đặt mục tiêu 9-10 điểm để xét tuyển vào các trường ĐH tốp đầu, yêu cầu các em phải có vốn từ phong phú và thành thạo các phạm trù khó. Tương tự, giáo viên cũng nhận xét môn Vật lí, Hóa học, Sinh học cũng có khoảng 25-30% câu hỏi ở mực độ vận dụng và vận dụng cao, phù hợp cho các trường ĐH lấy kết quả xét tuyển nhưng đòi hỏi học sinh phải có kiến thức nền tảng tốt, có kỹ năng mới có thể hoàn thành trong thời gian quy định.
Cẩn thận với “bẫy” tham khảo
Thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên Hệ thống giáo dục Học Mãi đánh giá, đề tham khảo môn Toán có tới 90% câu hỏi trong phạm vi kiến thức lớp 12, chỉ có 10% kiến thức lớp 11. Về cấu trúc, vẫn giữ mức 75% câu hỏi ở mức nhận biết - thông hiểu 15% ở mức vận dụng và 10% câu vận dụng cao.
Tuy số lượng các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao là dạng bài từng xuất hiện trong đề thi chính thức hoặc đề của trường, các Sở GD&ĐT nhưng để hoàn thành trọn vẹn được bài thi của môn Toán đòi hỏi học sinh phải thành thạo các kiến thức và kỹ năng làm bài như kỹ năng tính toán, biến đổi, sử dụng máy tính… “Học sinh cần lưu ý, các câu hỏi thuộc phần vận dụng cao giữa đề tham khảo và đề thi thật có thể thay đổi về dạng toán và độ khó. Vì vậy, với những học sinh đặt mục tiêu trên điểm 9 khi thi thật, ngoài việc luyện tập chăm chỉ với các dạng bài trong đề tham khảo cũng cần mở rộng phạm vi với các dạng toán vận dụng cao khác, không có trong đề tham khảo”, thầy Thưởng nhấn mạnh.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, từ cấu trúc đề của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đơn vị sẽ xây dựng đề thi tất cả các môn cho học sinh lớp 12 năm nay thi thử. Tuy là đợt khảo sát để trường, sở nắm chất lượng học sinh nhưng được tổ chức như thi thật cho học sinh tập dượt.
Chiều 22/3, Bộ GD&ĐT đã công bố lịch thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Kỳ thi được tổ chức 4 ngày, từ 26 - 29/6, trong đó, ngày 26/6, thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi; ngày 27, 28/6/2024 tổ chức coi thi các môn. Ngày 29/6 là ngày thi dự phòng. Bộ GD&ĐT cũng dự kiến công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17/7/2024 cho thí sinh.