Để sưa khỏi mặc váy

Để sưa khỏi mặc váy
TP - Tôi đọc bài “Bảo vệ cây sưa bằng “váy thép’” của Minh Đức - Tiến Anh trên báo Tiền Phong thấy vui vui. Nhìn những tấm ảnh chụp mấy “bà” sưa ở đường phố Hà Nội mặc “váy thép” cũng xinh và hiện đại ra phết.

Đừng mặc 'váy thép' cho sưa
> Mặc vào rồi lại cởi ra
> Khi cây xanh mặc… váy thép

Mẫu váy thép được thiết kế cũng khá thời trang. Rồi lại những bức ảnh “tốc váy” ra cũng đầy ngạc nhiên vì không ngờ rác rưởi dơ dáy bên trong nhiều thế. Đúng là thời đại công nghiệp có khác. Đụng cái gì là người ta dùng ngay thế mạnh sắt thép bê tông. Phân cách, bê tông. Bùng binh, bê tông. Hàng rào lối xóm, bê tông cốt thép…

Ngắm những bức ảnh xưa các lãnh tụ tham gia tết trồng cây sao thấy cây xanh đáng yêu và thân thiện thế. Mảnh mai một vòng rào tre cũng được buộc bởi lạt tre tinh tế. Tịnh không hề thấy sự cưỡng bức của dẫu chỉ với những dây thép buộc… Đúng là những biện pháp ngăn nạn “sưa tặc” đến thời điểm này dường như đã phá sản. Quá buồn. Buồn quá!

Không rõ giá trị đặc biệt của gỗ sưa như thế nào, nhưng thông tin trên bài báo cho thấy người ta mua loại gỗ này rất đắt và cũng không rõ họ mua để làm gì. Ở quê tôi có người có chiếc giường nằm hư gãy vứt một đống góc chái chuồng bò. Vì củi nhiều nên chưa bửa đống gỗ hư ấy ra chụm mà thôi. Nhưng khi biết được đó là gỗ huỳnh đàn (tức gỗ sưa), họ lật đật đem cân ký bán cái giường hư ấy kiếm được mấy trăm triệu. Việc này xảy ra ở miền quê tôi Phú Yên từ lâu rồi.

Tôi cũng có nghe chuyện ở vài tỉnh miền Trung khác khi gỗ sưa lên giá cao chót vót, bộ lư hương chân đèn trên bàn thờ được tiện bằng gỗ sưa có giá cả đống tiền, trong khi chỉ mỗi mẹ già như trái chín cây ở nhà. Nếu để thì quá nguy hiểm cho mẹ. Bán nó đi vừa bảo vệ được mẹ vừa giúp mấy anh em xóa đói giảm nghèo.

Thế là anh em họp lại với nhau quyết bán. Một thời vật dụng trong nhà bằng sưa ào ạt thay thế bằng gụ, mít, cẩm lai, căm xe… vừa được bộn tiền vừa lành. Bởi trước sau, nếu vào tầm ngắm của những kẻ săn sưa thì trước sau nếu không bị trộm thì cũng bị cướp.

Và đấy là lý do dễ hiểu vì sao thời gian gần đây, ngay tại thủ đô Hà Nội lại nổi lên nạn “sưa tặc”. Có lẽ đây là mắt xích chắc nhất bảo vệ sưa nên “sưa tặc” giờ mới sờ đến. Trước, là những cây sưa ở nơi công viên vắng vẻ ít người qua. Sau, là những cây sưa trên lộ ở những phố vắng. Trước, còn chờ những đêm mưa to gió lớn, té nước theo mưa. Nay, bất kể là đêm trăng thanh đèn sáng. Sưa cứ thế bốc hơi.

Sức hút của đồng tiền luôn mãnh liệt, khi sưa có giá trị bằng cả khối tài sản. Khối tài sản quá hớ hênh vừa làm mồi cho kẻ gian và kích động những người chưa kịp có tà tâm chiếm đoạt.

Vậy thiết nghĩ, muốn hết lửa hãy rút củi. Muốn hết nạn “sưa tặc” nên chăng triển khai đồng thời cả “Ba không”: Không thể, không dám, không muốn. Sao cho mỗi người dân thủ đô với ý thức, lòng tự trọng và vốn văn hóa của đất văn hiến là vỏ bọc vững chắc nhất cho cây sưa để “sưa tặc” không thể tiếp cận, thay vì dùng vỏ bọc “váy thép” thô thiển như hiện nay.

Các chế tài bảo vệ và xử phạt đủ mạnh, kiên quyết để “sưa tặc” không dám tính chuyện được mất khi chiếm đoạt sưa. Siết đầu vào, phong tỏa đầu ra cùng với các giải pháp không thể, không dám trên thì lúc đó “sưa tặc” không còn muốn đánh đu cuộc đời mình với sưa nữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG