Nhiều học sinh tiểu học vẫn phải đi học thêm. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Các trường chỉ có thể quản lý hiệu quả hoạt động dạy thêm trong trường, và việc dạy thêm ngoài nhà trường chỉ quản lý được khi giáo viên đăng ký qua nhà trường. Nếu giáo viên dạy thêm không đăng ký thì ban giám hiệu không thể kiểm soát hết được, ông nói.
Theo ông, khó khăn trong việc kiểm soát được hoạt động dạy thêm, học thêm nằm ở đâu?
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là chúng ta không có đủ cán bộ để làm công tác kiểm tra, kiểm soát. Số lượng cán bộ của Sở không đủ mạnh để làm vì đơn giản là không đủ người. Các phòng GD&ĐT cũng chỉ có trên chục cán bộ mỗi đơn vị, họ không thể nào kiểm soát được việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn mình phụ trách. Địa bàn Hà Nội rộng như thế, giáo viên dạy thêm ở những đâu, ngành không có thông tin, vì thế rất khó kiểm soát.
Có thể sử dụng nguồn tin là phụ huynh học sinh và người dân ở những địa điểm có dạy thêm?
Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân xung quanh việc tổ chức dạy thêm, học thêm và đều cho kiểm tra. Tuy nhiên, hầu hết đơn thư đều nặc danh nên chúng tôi không phản hồi được. Một khó khăn khác là đi kiểm tra ở đâu, chúng tôi cũng được người ta trưng ra cho cả một tập đơn đề nghị tự nguyện được học thêm của học sinh.
Mặc dù chúng tôi vẫn yêu cầu các cơ sở rút kinh nghiệm nhưng rõ ràng việc kiểm tra nhằm ngăn chặn tiêu cực trong dạy thêm, học thêm không đạt hiệu quả. Chúng tôi mong muốn phụ huynh hợp tác tốt hơn, cùng chúng tôi đấu tranh công khai với những vi phạm trong dạy thêm, học thêm.
Ông Nguyễn Thành Kỳ , Trưởng phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội. |
Phải chăng việc xử lý chưa đủ sức răn đe với cá nhân, tập thể vi phạm?
Quyết định 132 do UBND TP Hà Nội ban hành tháng 11-2007 quy định, không dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học cũng như không dạy thêm với học sinh đã được học 2 buổi/ngày. Với những trường hợp được dạy thêm thì không dạy quá 2 – 3 tiết/buổi, quá 2 – 3 buổi/tuần (tùy theo đó là học sinh THCS hay THPT).
Nếu việc vi phạm xảy ra ở các cấp tiểu học, THCS thì Phòng GD&ĐT các quận/ huyện phải có thái độ. Còn chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe thì Sở GD&ĐT cũng như UBND thành phố Hà Nội không thể tùy ý thay đổi. Việc đưa ra chế tài xử lý là thẩm quyền của các cơ quan cấp bộ.
Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng là làm thế nào điều chỉnh các nhà giáo để họ được quyền dạy thêm nhưng phải phù hợp với yêu cầu thật sự của học sinh. Liệu những học sinh đăng ký đi học thêm có thực sự là tự nguyện hay không? Nếu không thì lấy cái gì làm chứng cứ và phải xử lý như thế nào?
Đây chính là những khó khăn mà hiện nay các cơ quan quản lý, các trường đang gặp khó khăn vì chưa xác định được nên chưa xử lý được đến nơi đến chốn. Các bậc cha mẹ sẵn lòng hay cực chẳng đã mà cho con đi học thêm? Đó là ranh giới rất mong manh, nhưng làm rõ được việc ấy thì chuyện dạy thêm, học thêm chắc chắn không trở thành gánh nặng của học sinh.
Hà Nội từng có quy định không cho phép thầy cô dạy thêm học sinh mà mình dạy chính khóa. Về sau, quy định này được bãi bỏ dù dư luận phụ huynh cho rằng, nhiều tiêu cực phát sinh từ chính thực tế này?
Đúng là có chuyện nếu để thầy cô dạy cho học sinh chính mình thì dễ xảy ra tình trạng phụ huynh học sinh thấy cần cho con mình đi học dù thầy cô không ra mặt ép buộc. Tuy nhiên, từ quy định này có rất nhiều ý kiến trái chiều mà ý kiến nào cũng có lý.
Song, điều quan trọng, quyết định 132 của UBND TP Hà Nội phải căn cứ vào văn bản quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ GD&ĐT đã ban hành (quyết định 03/2007/QĐ-BGDĐT). Bộ không cấm giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình thì Hà Nội không có lý do gì để cấm.
Quy định mức thu phí là thỏa thuận giữa người học và người dạy đã đẩy phí học thêm lên rất cao. Với cấp tiểu học trong các quận nội thành, mức thu từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/học sinh/buổi học là khá phổ biến. Trong khi đó, ở những trường này, sĩ số mỗi lớp đều trên dưới 60 học sinh. Chỉ nguyên việc dạy thêm học sinh của mình, nhiều giáo viên thu hàng chục triệu đồng/tháng. Ông bình luận thế nào về thực tế này?
Nhiều người cũng cho rằng, nên có quy định mức trần về học phí, nhưng ngược lại có ý kiến cho rằng khi đưa ra mức trần thì ở những khu vực đời sống khó khăn, họ sẽ căn cứ vào mức trần để đẩy giá lên cho sát trần. Vấn đề là kiểm soát được hoạt động dạy thêm, học thêm. Đơn cử, giáo viên muốn dạy thêm thì phải đăng ký. Đã đăng ký thì phải làm đúng các quy định.
Ngoài ra, căn cứ vào đăng ký đó, cơ quan chức năng sẽ nắm được tổng mức thu nhập hằng tháng của giáo viên, buộc họ phải có trách nhiệm công dân trong việc đóng thuế thu nhập. Việc bắt buộc phải thực hiện các trách nhiệm xã hội của công dân cũng sẽ tác động tới ý thức của nhiều giáo viên. Họ sẽ cân nhắc thiệt hơn trong việc có nên cố mà dạy thêm bất chấp đạo đức nhà giáo.
Đầu năm 2009, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo quy định về quản lý dạy thêm, học thêm. Về sau, dự thảo đó không được hoàn thiện. Ông có thể nói rõ về việc này?
Thoạt tiên, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến đưa ra một quy định chung về việc quản lý dạy thêm, học thêm cho Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính. Tuy nhiên, về sau lãnh đạo Sở thống nhất không nhất thiết phải ban hành quy định mới bởi có thể sử dụng quyết định 132 của UBND TP Hà Nội ban hành tháng 11-2007 chung cho cả Hà Tây cũ và Hà Nội cũ.
Còn theo quan điểm của cá nhân tôi, một văn bản mới ra đời không để làm gì khi chúng ta không có khả năng kiểm soát việc thực thi.
Cảm ơn ông.
Quý Hiên