Nhà nghiên cứu lương 2,5 triệu đồng/tháng
TS Phạm Thị Năm (SN 1986), Nghiên cứu viên chính Phòng Ăn mòn và bảo vệ kim loại, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là gương mặt duy nhất trong lĩnh vực vật liệu mới nhận Giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2017.
TS. Năm có hàng chục công trình, đề tài nghiên cứu về vật liệu nano và vật liệu y sinh. Đề tài “Nghiên cứu tính chất và hình thái cấu trúc của vật liệu tổ hợp polyaxit lactic/ nanohydroxyapatit (PLA/Hap) có và không có chất tương hợp định hướng ứng dụng trong y sinh, 4/2012- 3/2015”, TS Năm thực hiện, đã góp phần tạo ra vật liệu y sinh mới có khả năng phân hủy sinh học, ứng dụng làm nẹp vít thay thế xương trong y sinh. TS. Năm cho biết, vật liệu y sinh mới đã được thử nghiệm thành công trên động vật; nó có tác dụng giúp liền xương nhanh hơn.
Có được thành công như ngày hôm nay, TS Phạm Thị Năm đánh đổi không ít mồ hôi và nước mắt. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm I, Phạm Thị Năm bắt đầu bén duyên với nghiên cứu. Lương của một nghiên cứu viên mới ra trường chỉ được 2,5 triệu đồng, không có bất cứ một nguồn thu nhập gì thêm. Tuy nhiên, TS Năm vẫn thường xuyên nghiên cứu ở cơ quan đến 11, 12 giờ đêm.
“Để ươm mầm tài năng trẻ phát triển, theo tôi quan trọng nhất là nhà nước cần có những chính sách ưu tiên và đầu tư kinh phí xứng đáng cho họ cống hiến. Làm sao để những nhà nghiên cứu trẻ toàn tâm cống hiến cho khoa học chứ không bị cơm, áo, gạo, tiền níu chân. Thực tế, hiện tôi là Tiến sĩ, lại được tăng lương trước thời hạn, từ năm 2016 đến nay, tôi cũng mới nhận được mức lương hơn 5 triệu đồng”, TS Năm nói.
Luôn nỗ lực
“Quả Cầu Vàng” Phạm Văn Hạnh đang là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. 16 tuổi bắt đầu làm quen với công nghệ thông tin nhưng đến 20 tuổi, “chàng trai vàng tin học” đã ghi dấu ấn trên nhiều đấu trường quốc tế: Huy chương Vàng Olympic tin học quốc tế và Huy chương Bạc Olympic tin học Châu Á năm 2015; Cup vàng khối Siêu Cup tại Olympic Tin học sinh viên Việt Nam; Xếp hạng 28/128 và 34/128 tại các kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM – ICPC World Finals ở giải đồng đội năm 2016 -2017.
Lý giải về sự thành công vượt trội của mình, Hạnh cho rằng, mỗi bạn trẻ ai cũng có những tiềm năng về sự sáng tạo, năng khiếu bẩm sinh. Quan trọng là có môi trường, sự khơi gợi và niềm đam mê đến cùng để thực hiện nó. “Tôi may mắn có được thầy giáo tốt định hướng cho mình. Bên cạnh đó là nỗ lực tự học qua các trang web tin học quốc tế để học hỏi và rèn bản lĩnh tại các đấu trường quốc tế”, Hạnh chia sẻ. Tài năng trẻ Phạm Văn Hạnh bày tỏ quan điểm: “Hiện nay, truyền thông nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, rồi đặt ra những vấn đề về sự sáng tạo của người trẻ trong cuộc cách mạng đó. Tôi thì cho rằng, sáng tạo là một quá trình mà bắt buộc người trẻ phải luôn luôn vận động, rèn luyện hằng ngày, chứ không phải đợi đến 4.0 “thúc chân”.