Đề nghị y án tử hình tướng cướp chặt tay cô gái đi SH

Trúc (ngoài cùng bên trái) cùng 3 đồng phạm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: Quốc Thắng
Trúc (ngoài cùng bên trái) cùng 3 đồng phạm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: Quốc Thắng
"Dù chị Thúy đã có đơn bãi nại và bị cáo có con nhỏ song không đủ cơ sở để xem xét giảm nhẹ án. Cần phải giữ nguyên mức án tử hình với bị cáo" - đại diện Viện kiểm sát đề nghị tại phiên phúc thẩm tướng cướp chặt tay cô gái đi xe Sh, sáng nay (24/3).

Sáng nay, Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xem xét đơn xin giảm án tử hình của Hồ Duy Trúc. Được cả chục cảnh sát áp giải vào phòng xử từ khá sớm, Trúc tỏ ra bình thản. Thỉnh thoảng, tên này quay sang nói chuyện với đồng phạm Hồ Văn Luông.

Đại diện Toà Phúc thẩm cho biết, để tránh việc thân nhân bị cáo gây náo loạn sau phiên tòa như tại cấp sơ thẩm, trong lần xử này, lực lượng an ninh được tăng cường để đảm bảo trật tự.

Cảnh sát bố trí người đứng ken đặc ngoài hành lang phòng xử lớn nhất Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM. Các cửa ra vào được kiểm tra nghiêm ngặt.

Ngoài Hồ Duy Trúc bị cấp sơ thẩm tuyên án tử hình, còn có 2 bị cáo khác là Trần Văn Luông (25 tuổi, quê Bến Tre) và Trần Thanh Tuyền (22 tuổi, quê Ninh Thuận) - đồng phạm với Trúc trong hầu hết các vụ cướp - cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt án chung thân và 20 năm tù.

8h40 phiên xử bắt đầu, song không có một người thân nào của các bị cáo có mặt trong phòng xử.

Là người đầu tiên được gọi lên thẩm vấn, Trúc tỏ vẻ căng thẳng khi thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết. Trả lời lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo nói: "Mức án cao quá. Bị cáo rất hối hận về những gì mình làm. Gia đình bị cáo đã bồi thường một phần cho chị Thúy và cũng được chị ấy bãi nại".

Trúc cũng cho rằng mình còn có một con nhỏ, cha mẹ già cần được chăm sóc. Trong khi đó, ngoài cầu thang dẫn lên Tòa phúc thẩm, cha mẹ của Trúc không được phép vào phòng xử. Hai ông bà già đứng cạnh nhau khóc.

Đề nghị y án tử hình tướng cướp chặt tay cô gái đi SH ảnh 1

Trúc khóc khi bị VKS đề nghị giữ nguyên án tử hình. Ảnh: Quốc Thắng.

Tham gia xét hỏi, song đại diện VKSND Tối cao và cả luật sư đều dành rất ít câu hỏi cho Trúc bởi bị cáo thừa nhận tất cả hành vi như bản án sơ thẩm đã kết luận.

Trả lời câu hỏi của luật sư, Trúc khẳng định khi đi gây án không sử dụng ma túy. Tướng cướp này cũng cho biết có anh rể là Tô Hữu Luân, nam sinh qua Trung Quốc bán thận vài năm trước từng gây rúng động dư luận.

Việc con của Trúc trong giấy khai sinh không ghi tên cha, Trúc bảo: "Sắp đến ngày cưới vợ thì bị bắt nên chưa làm đăng ký kết hôn, bị cáo không thể đứng tên trong giấy khai sinh của con được".

Tương tự Trúc, nói về lý do xin giảm án, cả Luông và Sơn đều cho rằng mức án chung thân và 20 năm tù mà họ phải nhận ở cấp sơ thẩm là quá nặng. Luông cho rằng hiện cũng có 2 con nhỏ cần chăm sóc nên mong muốn có mức án nhẹ hơn.

Còn Sơn bảo: "Bị cáo không chủ động đi cướp. Mấy người trong nhóm rủ, thế nên bị cáo mới đi theo". Tuy nhiên, các lý do này đều bị chủ tọa cho rằng đã được cấp sơ thẩm xem xét khi tuyên án.

10h20, phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKS cho rằng, băng cướp trên đã cấu kết với nhau rất chặt chẽ, gây ra hàng loạt vụ cướp nghiêm trọng, gây hoang mang dư luận... nên cần phải xử nghiêm. Trong đó Trúc là kẻ cầm đầu, là người nổi bật nhất trong băng nhóm, gây án nhiều lần trong suốt một thời gian dài và trực tiếp cầm dao chém lìa tay chị Thúy. Ngoài việc gây ra hơn chục vụ cướp ở Sài Gòn, Trúc còn tham gia 2 vụ khác ở Ninh Thuận.

"Bản án sơ thẩm đã xem xét hành vi, nhân thân của bị cáo... nên cần thiết phải xử nghiêm, tuyên loại bị cáo ra khỏi xã hội là phù hợp. Mặc dù ở phiên phúc thẩm, chị Thúy đã có đơn bãi nại và bị cáo có con nhỏ, đây là 2 tình tiết mới, song không đủ cơ sở để xem xét giảm nhẹ án. Cần phải giữ nguyên mức án tử hình với bị cáo", VKS nói.

Tương tự với Luông và Sơn, VKS cũng cho rằng mức án mà cấp sơ thẩm đã áp dụng là "đúng người, đúng tội" nên cần y án với các bị cáo.

Trúc đứng lặng một lúc rồi bật khóc: "Trong tất cả những lần đi cướp, chỉ có vụ cướp chị Thúy là bị cáo trực tiếp gây ra... Bị cáo đã rất hối hận".

Chiều 24/11/2012, sau khi tổ chức uống rượu tại phòng trọ, Trúc rủ Luông cùng đồng bọn mang theo mã tấu chạy xe trên các tuyến đường vắng người thuộc địa bàn quận 7, quận 2 và huyện Nhà Bè để tìm "con mồi" cướp tài sản.

Khi đến chân cầu Phú Mỹ, chúng phát hiện chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (30 tuổi) chạy SH theo hướng từ quận 7 sang quận 2 nên đã bám theo

.Đến đoạn đường vắng, Luông chạy xe vượt lên chặn đầu, Trúc ngồi phía sau vung dao chém liên tiếp 3 nhát vào tay chị Thúy làm cả người và xe ngã xuống đường.

Trúc chạy đến định cướp xe nhưng không nổ máy được nên bỏ lại. Đồng bọn của hắn từ phía sau lao đến giật phăng túi xách trên người nạn nhân rồi cả bọn tăng ga bỏ trốn.

Vết chém mạnh của Trúc làm bàn tay chị Thúy đứt lìa. Người dân phát hiện đưa chị đi cấp cứu, kịp thời nối lại được bàn tay nhưng để lại thương tật 47%.

Trước khi gây ra vụ án kinh hoàng này, cũng với chiêu thức "chém trước, cướp sau", băng nhóm do Trúc cầm đầu đã thực hiện 14 vụ cướp khác trên địa bàn TP HCM gây thương tích 12 người.

Hồi tháng 12/2013, TAND TP HCM đã xử sơ thẩm tuyên phạt Trúc mức án tử hình, Trần Văn Luông tù chung thân về tội Cướp tài sản. Cũng bị kết án về tội này, các bị cáo Nguyễn Hoàng Phương (20 tuổi), Huỳnh Thanh Sơn (31 tuổi, quê Tây Ninh) và Trần Thanh Tuyền phải nhận từ 12 đến 20 năm tù.

Liên quan đến vụ án, 3 bị cáo khác nhận từ 9 tháng đến 12 năm tù về các tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Bị cáo Trúc, Luông và Tuyền đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.Ngoài bản án này, Trúc vừa bị TAND tỉnh Ninh Thuận tuyên phạt 12 năm tù trong 2 vụ cướp khác tại tỉnh này..

Theo Quốc Thắng - Hải Duyên

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.