Đề nghị xử lý hình sự với cá nhân, tổ chức làm hàng giả

Làm hàng giả ngày càng tinh vi nhưng xử lý còn nhẹ
Làm hàng giả ngày càng tinh vi nhưng xử lý còn nhẹ
TPO - Nhiều đại biểu nhận định hàng giả hiện nay vô cùng phức tạp tuy nhiên xử lý chưa nghiêm, cho nên với nhiều vụ việc nghiệm trọng cần chuyển sang xử lý hình sự.

Cần coi hàng giả là quốc nạn

Hội thảo: “Các giải pháp phòng, chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” do Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội phối hợp cty Vina CHG tổ chức, hướng tới tổng kết 10 năm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11).

Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2017 cơ quan chức năng xử lý hơn 88.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu và truy thu thuế đạt hơn 7.900 tỷ đồng, khởi tố hơn 1.000 vụ đối với hơn 1 nghìn đối tượng.

Dù có một số thành tích, nhưng ông Ba đánh giá công tác chống buôn lậu còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Trước đó, ông Nguyễn Việt Hồng, TGĐ Vina CHG nhận định tình hình làm hàng giả vô cùng phức tạp, nhìn bằng mắt thường không nhận thấy. Đại diện một đơn vị sản xuất còn nói rằng thực tế có những mặt hàng phải “chụp cắt lớp” mới phân định được thật giả. Có những nơi còn xuất hiện tình trạng thành lập công ty giả mạo, khiến khách hàng hiểu nhầm và mua hàng giả.

Ông Vũ Vinh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công Thương thành phố Hà Nội nói tới thực trạng nhức nhối tất cả các ngành hàng đều có hàng giả, trong khi ý thức chống hàng giả chưa cao. Trong khi đó hàng giả tác động tới sự phát triển kinh tế, đe dọa sức khỏe cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an ninh quốc gia. Đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia thậm chí cho rằng phải coi là “quốc nạn”.

Xử lý hình sự

Đại diện một số đơn vị sản xuất cho rằng trong thời đại 4.0 không thể không ứng dụng công nghệ vào xử lý hàng giả, với một loạt giải pháp như tem chống hàng giả công nghệ phát sáng, công nghệ điện tử kết hợp quét mã vạch, hay giải pháp kiểm soát kênh phân phối và bảo vệ khách hàng.

Ông Phú đề xuất một số giải pháp chống hàng giả: Kiểm soát từ khâu sản xuất chứ không chỉ kiểm soát từ ngọn-khâu bán lẻ. “Quản lý thị trường dẫu có nghìn người cũng không làm xuể. Chúng ta phải thay đổi tư duy chống hàng giả, coi hàng giả là quốc nạn”, ông Vinh nói.

Ông cũng đề xuất cần biểu dương đơn vị làm ăn tốt, xây dựng thương hiệu cho họ, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. “Vừa rồi chúng ta xử lý nhiều nhưng vẫn nhẹ, theo khung, tôi cho rằng với các vụ việc nghiêm trọng phải rút giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc chuyển sang xử lý hình sự”, ông Vinh nói.

Đồng quan điểm, ông Trương Văn Ba cũng nói rằng hiện nay chế tài xử lý sản xuất hành giả còn rất nhẹ, số vụ việc bị xử lý hình sự còn quá ít. “Nếu làm hàng giả chỉ bị phạt hành chính 100 triệu đồng thôi trong khi lợi nhuận một tháng lên đến cả tỷ đồng, họ sẽ chấp nhận nộp phạt xong lại tiếp tục sản xuất hàng giả với hình thức tinh vi khiến cơ quan chức năng khó phát hiện”, ông Ba nói.

MỚI - NÓNG