TPHCM

Vì sao hàng giả, hàng nhái tiêu thụ công khai?

Hàng giả nhan nhản trong siêu thị.
Hàng giả nhan nhản trong siêu thị.
TP - Hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng vì sao cơ quan chức năng vẫn chưa thể loại trừ triệt để?

Hàng giả từ chợ đến siêu thị

Tại chợ Căn cứ 26 (Q. Gò Vấp), chúng tôi ghé vào sạp giày dép thời trang T. Thủy. Nhân viên đon đả: “Vào xem hàng đi chị, toàn hàng xuất nên tốt lắm. Em có người nhà làm trong Cty gia công hàng xuất khẩu nên mới mua những lô hàng này, những nơi khác không có đâu”. Nói rồi cô nhân viên giới thiệu đôi giày trẻ em gắn thương hiệu Clarks, Dior, CK... giá từ 250.000 - 350.000 đồng/đôi; giày nữ hiệu Aldo, Nine West... từ 350.000 - 400.000 đồng/đôi, dưới đế giày in rõ dòng chữ “made in China”. Trong khi cùng đôi giày hiệu Clarks tại cửa hàng “chuyên giày xuất khẩu” đường Hai Bà Trưng (Q.1) lại có giá 650.000 đồng/đôi; giày người lớn thuộc 2 thương hiệu Aldo, Nine West có giá không dưới 1,8 triệu đồng/đôi.

Tại các trung tâm thương mại như Saigon Square, Taka, Little Saigon, Rubik Zoo… tràn ngập hàng giày dép, áo quần gắn mác ngoại nhưng có giá nội. Cụ thể, một chiếc áo thun mẫu mới màu đen, tay và cổ có viền vàng hiệu Polo Dior có giá 180.000 đồng/cái, trong khi sản phẩm này trên trang bán hàng chính hãng có giá 5,8 triệu đồng, cao gấp 32 lần. Tương tự, một chiếc đầm mẫu mùa hè hiệu Zara có giá tầm 280.000 - 300.000 đồng trong khi sản phẩm tương tự tại trang Zara khoảng 1.200.000 đồng. Lật bên trong chiếc áo hiệu Polo “xịn” bị cắt mác, bà Minh - kinh doanh thời trang xuất khẩu trên đường Lý Chính Thắng (Q.3), giải thích: “Hàng xuất khẩu chính hãng bị vài lỗi nhỏ thường bị cắt nhãn như thế này, đưa ra ngoài bán làm từ thiện của nhân viên Cty. Còn đa số đều bị buộc phải hủy nên không có chuyện hàng xuất khẩu chính hãng làm tại Việt Nam lại bán tràn lan giá rẻ”.

Tại nhiều siêu thị uy tín như Big C, Coop Mart, siêu thị Sài Gòn của Satramart… rất nhiều quầy kệ được tư nhân thuê bán hàng giả, hàng nhái. Tại siêu thị Big C An Lạc, chúng tôi hỏi mua kính mắt thì được nhân viên giới thiệu hàng loạt kính với nhiều thương hiệu với giá từ 350 nghìn đến 550 nghìn đồng/cái. Nhân viên bán hàng thẳng thắn: “Hàng nhái các thương hiệu có tên tuổi chứ không phải hàng xịn. Mắt kính đeo chủ yếu tránh nắng nên giá vài trăm ngàn đồng”. Nhiều quầy hàng này còn có nhiều đồng hồ hiệu Longines, CK… giá từ 250 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cái tùy loại. Nhân viên cho biết, hàng mua ở đây không được bảo hành vì đều là hàng thời trang.

Tại Coop Mart Cống Quỳnh, nhiều quầy kinh doanh đồ chơi trẻ em như: búp bê, thú nhồi bông, đồ chơi điện tử… nhiều sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, xuất xứ. Nhân viên quầy hàng cho rằng, tất cả đều an toàn, cứ yên tâm, bởi hàng bán trong siêu thị thì đã được kiểm tra nghiêm ngặt ngay từ khâu đầu vào (?!).

Được vạ thì má đã sưng

Bức xúc vì bị giả thương hiệu, ông Thái Tuấn – Giám đốc Cty TNHH Chế biến thực phẩm Tân Huê Viên ra tận Hà Nội, ăn dầm nằm dề mấy tháng trời để đòi lại thương hiệu. “Lúc tôi đi siêu thị thấy quầy kệ bánh pía Tân Huê Viên bị chèn thêm bánh của một Cty ở Hà Nội, đáng nói là Cty này cũng lấy hiệu “đặc sản Sóc Trăng” mà chúng tôi đã đăng ký bản quyền. Họ còn bán giá rẻ hơn. Chúng tôi gần như mất từ thị trường đến khách hàng, Cty ngưng sản xuất, cả ngàn công nhân không có việc làm. Thiệt hại rất nghiêm trọng. Thế nhưng, khi tôi khởi kiện, đơn vị sai phạm chỉ bị xử phạt 100 triệu đồng” – ông Tuấn lắc đầu ngao ngán.

Lãnh đạo Cty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s) bức xúc khi các sản phẩm giày dép Cty bị làm nhái với các dấu hiệu nhận diện hoàn toàn giống nhau, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Mặc dù Bita’s đã nộp đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng nhưng gần 6 năm qua vẫn chưa được xem xét.

Trong 10 tháng của năm 2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TPHCM đã thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái; phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.

Theo luật sư Đỗ Hải Bình - Văn phòng luật sư Quốc Anh (Đoàn luật sư TPHCM), chế tài việc sản xuất hàng giả đã được quy định đầy đủ nhưng mức xử phạt hiện chưa đủ sức răn đe. Bộ luật Hình sự hiện hành đã có mức chế tài tăng nặng, ngoài xử phạt còn chế tài cả pháp nhân, tước giấy phép kinh doanh, phạt tù... Nhưng thực tế, việc tước giấy phép không ngăn chặn được hành vi sản xuất hàng giả, bởi những người có ý đồ làm ăn gian dối có thể thành lập Cty mới một cách dễ dàng...

Luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng TPHCM khuyến nghị: Biết được một nơi nhập hàng Trung Quốc nhái hàng Việt về bán, nhưng khi báo với quản lý thị trường thì đơn vị này đi xong về báo không có phát hiện. Tôi cho rằng hiện vẫn chưa có biện pháp đồng bộ. Thực tế mình phải nhìn nhận một vấn đề là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Khi chúng tôi có phản ảnh thông tin, chúng tôi chỉ cần các cơ quan có trách nhiệm tích cực phối hợp làm ngay. Nếu làm được như vậy thì mới sớm giúp cho người tiêu dùng bớt bị thiệt thòi”.

Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM từ đầu tháng 11 đến nay, các đội quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện hơn 360 tấn hóa chất công nghiệp, phân bón các loại là hàng trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tạm giữ gần 15 tấn đường cát, bột ngọt, vải... các loại nhập lậu; trên 1.000 viên thực phẩm chức năng trôi nổi. Hải quan TPHCM cũng đã kiểm tra, phát hiện khoảng 130 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Tổng trị giá hàng hóa lên tới 120 tỷ đồng.

Theo 0
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.