> Không chấp nhận kháng cáo của cựu Chủ tịch Vinashin
Cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình than không có tiền đóng án phí, xin giảm nhẹ. |
Công tố viên: Các bị cáo không oan
Đại diện Viện KSNDTC khẳng định, bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin phải chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm tại 3 dự án (tàu Hoa Sen; nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và nhà máy điện diezel Cái Lân).
Bị cáo là người đứng đầu tập đoàn, là người được giao trọng trách lớn, nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ được Nhà nước và nhân dân giao phó mà lại lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện phạm tội. Trong 3 dự án trên, bị cáo Bình đều là người tổ chức, giữ vai trò quyết định.
Cũng theo công tố viên, thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra rất lớn, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Cấp sơ thẩm đã xem xét đến tất cả các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như có nhiều thành tích trong khi đương nhiệm, có nhiều huân huy chương, gia đình có công với cách mạng.
“Tuy nhiên, do hành vi của bị cáo Bình gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, nên cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 20 năm tù là không nặng” – công tố viên khẳng định.
Đối với bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Giám đốc Cty Viễn Dương; Tô Nghiêm, nguyên Giám đốc Cty Công nghiệp tàu thủy Cái Lân; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Cty Hoàng Anh; Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Cty Tài chính Vinashin; Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Vinahsin và Đỗ Đình Côn, nguyên kế toán trưởng Cty Hoàng Anh, đại diện VKS cũng khẳng định các mức án, mức bồi thường đã tuyên ở phiên xử sơ thẩm cho từng bị cáo là không quá nặng, đúng luật, đúng tội, mặc dù đã xem xét những tình tiết giảm nhẹ.
Về việc bị cáo Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng giám đốc Cty Tài chính kêu oan và cho rằng mình không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, bị phạt 14 năm tù giam, đại diện VKS khẳng định những hậu quả do hành của bị cáo gây ra là có căn cứ rõ ràng, đủ cơ sở kết luận về tội danh này.
Trong dự án tàu Hoa Sen, bị cáo chỉ chuyển tiền đặt cọc và ký công văn bảo lãnh cho Cty Viễn Dương mua tàu theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Bình và Hồ Ngọc Tùng (đang bỏ trốn), giữ vai trò thứ yếu.
Tuy nhiên, trong dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và tàu Bình Định Star, bị cáo là người trực tiếp ký duyệt giải ngân.
Công tố viên tiếp tục khẳng định bị cáo Hậu có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, khai báo không thành khẩn, do đó bị cáo Hậu bị kết án về hành vi trên là không oan, đúng tội.
Cựu Chủ tịch Vinashin xin giảm án phí
Về các ý kiến cho rằng cơ quan giám định đã đưa ra các kết quả thiếu cơ sở, đại diện Viện kiểm sát khẳng định đã tiến hành giám định đúng với thủ tục tố tụng.
Các giám định viên là các chuyên gia ở các bộ ngành, có uy tín. Do đó, các kết quả giám định là chính xác. Với những lý lẽ trên, đại diện VKS đã đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án và mức bồi thường đối với từng bị cáo.
Trước đó trong phần thẩm vấn, khi được hỏi về mức án phí dân sự sơ thẩm, bị cáo Phạm Thanh Bình cho biết đã có đơn xin giảm án phí dân sự.
Song song với khoản bồi thường thiệt hại hơn 500 tỷ đồng từ 3 dự án, theo như bản án sơ thẩm, bị cáo Bình còn phải chịu mức án phí dân sự là 650 triệu đồng.
“Bố mẹ tôi đều là người làm cho Nhà nước, bản thân tôi cũng vậy, lại đang bị bắt giam, do đó với mức án phí như vậy thì khả năng gia đình tôi không thể thực hiện được. Mong Hội đồng xét xử xem xét giảm cho tôi”- bị cáo Bình nói.
Trong khi đó, Trịnh Thị Hậu quả quyết: “Nếu tôi ở bên ngoài, tôi sẽ có biện pháp thu hồi hết vốn, phong tỏa tài sản những đơn vị đã vay vốn”.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng. Dự kiến chiều nay HĐXX sẽ tuyên án.