Đề nghị triệt phá đường dây chất tạo nạc

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TP - “Tôi đề nghị Bộ Công an triển khai hệ thống, triệt phá đường dây chất cấm trong nông nghiệp như ma túy…không thể vì lợi ích cá nhân mà làm hại muôn người”- Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói chiều 19/10. Ông cho biết đã phát hiện nhiều mẫu thịt ở Hà Nội có chất cấm.

Nghi ngờ về 68 tấn Clenbuterol cho y tế?

Tại hội nghị triển khai kế hoạch đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp chiều qua (19/10), ông Phát cung cấp thông tin, mới đây, Bộ Y tế cho nhập tới 68 tấn chất Clenbuterol. Đây là chất được phép sử dụng trong ngành y tế, nhưng là chất cấm với chăn nuôi, có tác dụng tạo nạc, “bung đùi”, “nở mông” và về lâu dài có thể gây ung thư.

 “Người chăn nuôi họ mua từng bịch Clenbuterol về trộn trong thức ăn chăn nuôi.  Vậy nguồn gốc chúng ở đâu? Chúng tôi được biết chất này nhập về làm thuốc cho người, nhưng số để làm thuốc rất ít, sao lại cho nhập nhiều thế? Tôi đề nghị Bộ Y tế cần giám sát ngặt nghèo việc nhập khẩu sử dụng chất này”- ông Phát nói.

Tương tự, hiện ngành nông nghiệp cũng đang báo động về chất kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Theo ông Phát, nhiều nơi, họ pha kháng sinh vào thức ăn gia súc và thủy sản, coi như là thuốc ngừa bệnh đồng thời là chất tăng trọng. Nếu người ăn phải thực phẩm tồn dư nhiều kháng sinh, sẽ nhờn với chất này, y tế chữa trị rất khó.

Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Clenbuterol (cả Salbutamol) trong y tế dùng điều trị hen phế quản, nên ngành y tế buộc phải nhập về làm thuốc. Quy định quản lý về các chất trên, cũng như kháng sinh được Bộ Y tế kiểm soát rất chặt và có báo cáo đầy đủ.

Trước thông tin về nhập khẩu một lượng khá lớn- 68 tấn chất Clenbuterol,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ Y tế phải kiểm tra lại. Giấy phép nhập khẩu tới 68 tấn, trong khi nhu cầu cho y tế rất ít. “Nhập khẩu về rồi bán lại cho ai, nhất định phải được kiểm soát. Có người tuồn ra ngoài để bán trôi nổi, kể cả kháng sinh”- Phó Thủ tướng nói.

Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế khi đã phát hiện ra chất cấm gì, “cần giám sát từ  ông nhập, đến ông sản xuất chứ quản lý dược hiện còn nhiều vấn đề lắm”.

Một thông tin Bộ trưởng Phát cung cấp khiến người tiêu dùng Thủ đô lo lắng, là đã phát hiện các mẫu thịt ở Hà Nội có chất cấm. “Gần đây ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận cũng phát hiện rất nhiều mẫu thịt có chất cấm. Tôi đề nghị Hà Nội và các địa phương phải lấy mẫu giám sát thường xuyên. Bắt được mấy người nuôi phạt mấy đồng sẽ không ăn thua, phải truy được đối tượng buôn bán, tuồn, sản xuát chất cấm” - ông Phát nói. 

Thí điểm “cảnh sát” ATTP

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thủ tướng vừa cho phép thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn ở Hà Nội và TPHCM.  Quy định này, lần đầu tiên cho phép thành lập thanh tra chuyên ngành ATTP ở phường, xã. 

Một đoàn thanh tra, hoặc cá nhân thanh tra có thể xử lý những vi phạm trên cả ba lĩnh vực nông nghiệp, y tế, công thương, chứ không phân biệt “bộ này, bộ kia” quản lý như trước đây.

Theo ông Long, như ở Hà Nội, mỗi phường, xã có thể chọn 3-5 cán bộ để lập đoàn thanh tra.  Cán bộ có thể thanh tra độc lập, xử phạt theo quy định giống như  “cảnh sát” ATTP. Địa phương được giữ lại toàn bộ tiền phạt cho cơ sở. “Chúng tôi đang rất kỳ vọng về đề án này. Cả 3 bộ NN&PTNT, Y tế, Công Thương đã thống nhất triển khai vào dịp cao điểm do Bộ NN&PTNT vào dịp Tết sắp tới”- ông Long nói.

Theo số liệu giám sát ATTP nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng đầu năm, có tới, 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.

MỚI - NÓNG